Khủng hoảng nợ châu Âu - Nhiều nước muốn rời Eurozone

Trong khi các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn còn tranh cãi về chính sách dài hạn để vượt qua khủng hoảng nợ thì những tín hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng hơn. Eurozone đang chia rẽ sâu sắc và giờ đây một số nước bắt đầu đe dọa rút khỏi khu vực này.
Khủng hoảng nợ châu Âu - Nhiều nước muốn rời Eurozone

Trong khi các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn còn tranh cãi về chính sách dài hạn để vượt qua khủng hoảng nợ thì những tín hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng hơn. Eurozone đang chia rẽ sâu sắc và giờ đây một số nước bắt đầu đe dọa rút khỏi khu vực này.

  • Ai sẽ rời Eurozone?

Chương trình Politbarometer (chuyên khảo sát ý kiến người dân về các vấn đề ở mọi lĩnh vực) của kênh truyền hình quốc gia ZDF cho biết, 60% người dân Đức muốn Hy Lạp rời bỏ Eurozone, tăng vọt so với mức 49% được công bố hồi tháng 11-2011. Chỉ có 31% người dân mong muốn giữ Hy Lạp ở lại, còn 9% không có ý kiến. Trong khi đó, cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp lần thứ 2 vẫn còn đang bỏ ngỏ khả năng nước này ở lại Eurozone. Sau Hy Lạp, có thể sẽ là Tây Ban Nha, Italia…

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Tây Ban Nha đã lên tới 8,9% trong năm 2011. Trong khi đó, nợ chính phủ/GDP là 70%, còn tổng các khoản nợ nước ngoài (bao gồm cả các khoản nợ của doanh nghiệp) lên đến 90% GDP và đã cán mốc 1.000 tỷ EUR. Như vậy, tỷ lệ nợ/GDP của Tây Ban Nha hiện đã ngang bằng Hy Lạp, quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao nhất thế giới. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Tây Ban Nha là 8,37%, tương đương gần 150 tỷ EUR, cao nhất trong vòng 17 năm.

Trong khi cuộc chiến để quốc gia nào rời Eurozone vẫn chưa ngã ngũ thì một cuộc chiến ngược lại cũng đã hình thành: làm thế nào để giữ Đức và Pháp ở lại? Đến 50% số người được hỏi trong cuộc khảo sát mới nhất hồi tháng 5 cho biết, việc Đức ở lại Eurozone sẽ mang lại nhiều bất lợi hơn thuận lợi, 45% người có ý kiến ngược lại và 5% không bày tỏ ý kiến. Người dân Đức không muốn tiền thuế của mình được dùng để chi cho khoản nợ của những quốc gia khác. Tại Italia, đa số người dân cũng cho rằng đồng EUR đã làm kinh tế họ tồi tệ hơn.

Một người không nhà phải ăn xin ở Ireland.

Một người không nhà phải ăn xin ở Ireland.

  • Chưa thống nhất giải pháp

Một phương án có thể tránh được việc áp dụng quá đà chính sách thắt lưng buộc bụng là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) in thêm tiền. Cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi ngày 2-6 viết trên trang blog cá nhân của mình rằng, Italia nên rút khỏi Eurozone, trừ khi ECB đồng ý bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế Italia và bảo lãnh các khoản nợ của chính phủ nước này. Để làm được điều này, ECB nên bắt đầu việc in tiền và nếu ECB không đồng ý, Đức cũng nên rời khỏi Eurozone!

Về phía Đức cho rằng ECB không nên in tiền để giảm tình hình căng thẳng tại Eurozone vì điều này sẽ chỉ giúp giải cứu trong ngắn hạn và có thể làm tăng lạm phát, phá hỏng cải cách.

AFP dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng, ECB nhiều khả năng sẽ sớm cắt giảm lãi suất song song với việc trông chờ những phương án cuối cùng của các quốc gia thành viên. Ưu tiên của ECB là kiềm chế được mức lạm phát và hiện điều này vẫn được kiểm soát tốt khi giảm từ 2,6% trong tháng 4 xuống 2,4% trong tháng 5. Ở Đức - nền kinh tế lớn nhất khối - lạm phát giảm xuống còn 1,9%, ở mức thấp nhất trong 17 tháng qua.

Theo AFP, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3-6 đã kêu gọi phe đối lập ủng hộ việc nước này thông qua hiệp ước tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm kiểm soát chi tiêu của chính phủ. Trước đó một ngày, Ireland là quốc gia đầu tiên trong khối thông qua hiệp ước trên với tỷ lệ cử tri ủng hộ 60,3%.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á tại Thái Lan tuần qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy nhận định, châu Á không thể miễn dịch mãi trước những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu vì đa số nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu. Ở Trung Quốc, đơn đặt hàng xuất khẩu liên tục giảm. Tháng tư, xuất khẩu của Trung Quốc sang Eurozone giảm 2,4% so với 1 năm trước đó.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Tìm lối thoát cho khu vực đồng euro

Tin cùng chuyên mục