Ở Mỹ, hiện nay tiền học phí tại các trường đại học đã tăng đến mức chóng mặt, cao hơn cả tiền chăm sóc sức khỏe, cao gấp 3 lần giá hàng hóa ngoài thị trường. Hệ quả của việc tăng học phí chóng mặt là các sinh viên phải gánh thêm nợ mới có thể trang trải tiền học để tiếp tục ngồi trên ghế nhà trường.
Điều tra của hãng truyền hình CNBC cho thấy, tổng số tiền vay nợ học phí của sinh viên Mỹ đã đạt đến con số kỷ lục trong năm 2010 880 triệu USD. Trong năm 2010, trung bình 1 sinh viên Mỹ phải vác trên mình gánh nợ khổng lồ 80.000 USD sau khi kết thúc năm học, cao hơn gần 4 lần so với con số 24.000 USD trong năm 2009.
Do khủng hoảng kinh tế, từ năm 2008 đến nay, quỹ bang dành cho các trường đại học đã giảm xuống gần 1 tỷ USD. Hậu quả của việc cắt giảm này là hàng ngàn người mất việc, các giáo sư, giảng viên cũng bị sa thải hoặc hạ lương, số lượng lớp học, các khoản hỗ trợ sinh viên bị cắt giảm đáng kể. Trong khi đó, học phí liên tục tăng. Từ năm 2002 đến nay, học phí đã tăng 182%.
Tình trạng này đã dẫn đến một xu hướng sinh viên trở nên thiếu tự tin và chọn những trường có mức học phí thấp hơn hoặc bỏ học giữa chừng. Chỉ khoảng hơn một nửa sinh viên đại học tại Mỹ hoàn thành chương trình học và nhận được chứng chỉ. Tỷ lệ tốt nghiệp ngày càng ít đi, rất nhiều sinh viên sẽ không có đủ bằng cấp, chuyên môn để đảm nhận công việc sau khi đã bước chân đến cổng trường đại học.
Hàng triệu sinh viên năm nhất và gia đình phải đối mặt với một sự thật đau buồn: chỉ 56% số sinh viên tham gia khóa học 4 năm nhận được bằng tốt nghiệp. Số khác nếu muốn con đường sự nghiệp không gặp nhiều khó khăn đành phải bấm bụng đi vay nợ học phí.
Căn cứ số liệu từ Trung tâm thông kê số liệu giáo dục quốc gia Mỹ, người Mỹ có bằng đại học có mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với những người chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, với tỷ lệ thu nhập trung bình tương ứng năm 2008 60.954 USD, so với 33.618 USD.
Ông Laurean Asher, người điều hành dự án phi lợi nhuận Project on Student Debt cho biết: “Các khoản tiền dành cho học phí của nước Mỹ giờ đây đã vượt quá thu nhập của các gia đình và điều đó đang làm họ đau đầu”.
Theo thống kê năm 2010, tổng số sinh viên vay nợ đã lên đến hơn 250.000 người. Lãi suất của những khoản vay này không hề rẻ: 7%, chỉ ít hơn một chút so với khoản vay thẻ tín dụng (8,8%) và cho vay thế chấp nhà (9,1%).
CNBC nhận định, tình trạng nợ chồng nợ ở các sinh viên sẽ dẫn đến nguy cơ có một cuộc khủng hoảng nợ trong ngành giáo dục Mỹ. Nếu chính phủ còn tiếp tục cắt giảm thay vì bổ sung ngân sách cho ngành giáo dục, cuộc khủng hoảng này này sẽ sớm xảy ra trong nay mai.
Thanh Hằng