Khủng hoảng ở chaebol Hàn Quốc

Niềm tin sụp đổ
Khủng hoảng ở chaebol Hàn Quốc

Lotte, Hanjin rồi đến Samsung rơi vào khủng hoảng. Những sự cố xảy ra liên tiếp cho thấy chaebol Hàn đang bộc lộ các điểm yếu khi mở rộng hoạt động trên thương trường quốc tế.

Niềm tin sụp đổ

Lotte, Hanjin, Samsung là 3 tập đoàn nằm trong danh sách tốp đầu các chaebol ở Hàn Quốc. Cơn ác mộng đến với Samsung từ những báo cáo đầu tiên về sự cố của Galaxy Note 7 do pin phát nổ. Sau đó, Samsung tuyên bố sẽ ngừng bán Galaxy Note 7 và thông báo trên toàn cầu về chiến dịch thay thế khoảng 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 đã bán. Vụ thu hồi ước tính gây thiệt hại cho Samsung hơn 1 tỷ USD. Trên thực tế, thiệt hại đáng kể nhất đối với Samsung chính là việc Galaxy Note 7 phải tạm dừng bán. Điều này vô tình đã tạo nên lợi thế rất lớn cho Apple khi ra mắt bộ đôi iPhone mới 7 và 7 Plus. Với nhu cầu rất lớn của thị trường, đồng thời phải thay thế toàn bộ 2,5 triệu máy cho khách hàng, dù cho Samsung có tăng sản lượng lên 20% cũng không thể nào đáp ứng được. Đã có nhiều dự đoán cho rằng, sau khi Samsung sửa chữa nhanh vấn đề lỗi pin với Note 7, thì mẫu điện thoại này sẽ khó có thể quay trở lại đường đua bởi đã bị “mang tiếng” do sự cố pin hiện tại. Người tiêu dùng sẽ khó loại bỏ khỏi tâm trí của họ những ám ảnh về nguy cơ cháy nổ ở mẫu điện thoại hàng đầu của Samsung.

Các chaebol lớn của Hàn Quốc đang gặp khủng hoảng

Khủng hoảng nghiêm trọng nhất phải kể đến là Hanjin bởi sự ảnh hưởng rộng lớn của tập đoàn này. Ra đời năm 1977, Hanjin Shipping là công ty trực thuộc Hanjin Group. Đây là công ty vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc và cũng là một trong 10 công ty lớn nhất thế giới, xét theo công suất. Hiện Hanjin có hàng trăm con tàu, trong đó có 61 tàu chở container cỡ lớn, vận chuyển hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sở hữu 230 chi nhánh ở 60 nước và đang hoạt động tại Mỹ, châu Âu đến châu Á nhưng đến ngày 31-8, Hanjin buộc phải nộp đơn xin phá sản. Đây là vụ việc có quy mô ảnh hưởng lớn nhất, chưa từng xảy ra trong lĩnh vực vận tải đường biển của thế giới. Sự sụp đổ của một trong những hãng vận tải lớn nhất thế giới là minh chứng cho hiện tượng domino (phản ứng chuỗi) các hãng vận tải liên tiếp sụp đổ, trong bối cảnh ngành vận tải toàn cầu chật vật vì cung vượt cầu và kinh tế suy thoái. Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Hanjin là do nhu cầu vận tải giảm, cung vượt quá cầu, Hanjin làm ăn thua lỗ, nợ đầm đìa lên tới 1 tỷ USD. Từ sau khi công bố thua lỗ liên tiếp từ năm 2011 đến 2014, hãng bị thắt chặt tín dụng. Kể từ tháng 5-2016, hãng này phải thực hiện chương trình tái cơ cấu do chủ nợ đưa ra.

Riêng với Lotte, với hơn 60 doanh nghiệp thành viên và 60.000 nhân viên trên toàn thế giới, Lotte hiện là tập đoàn lớn thứ 5 tại Hàn Quốc với mức định giá khoảng 106 tỷ USD. Khởi nghiệp từ một công ty bán kẹo cao su vào năm 1948, Lotte đã trở thành đế chế kinh doanh khổng lồ. Nhưng khủng hoảng bủa vây Lotte do bê bối tranh quyền đoạt chức giữa các thành viên trong gia đình, dẫn tới việc bị điều tra quỹ đen, hối lộ quan chức và mới nhất là cái chết bất thường có liên quan đến vụ điều tra tham nhũng của vị Phó chủ tịch Lee In-won. Hồi tháng 6, các công tố viên Hàn Quốc đột kích 17 địa điểm liên quan đến Lotte Group, gồm văn phòng của người sáng lập tập đoàn tại khách sạn Lotte ở Seoul, cũng như nhà của đương kim Chủ tịch Shin Dong-bin, để thu thập chứng cứ về hành vi tạo quỹ đen thông qua giao dịch nội bộ để trốn khoản tiền thuế 533 triệu USD.

Cấu trúc có còn phù hợp?

Tuy không thể phủ nhận những chaebol từng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Hàn Quốc, đưa quốc gia này thoát khỏi nghèo đói, nhưng hình ảnh của chaebol thời điểm hiện tại đã bị biến tướng, phơi bày những cuộc chiến tranh quyền chỉ vì muốn nắm giữ vị thế độc quyền và hưởng vô số những đặc quyền, đặc lợi quá mức cần thiết. Kiểu bổ nhiệm người nhà không có năng lực vào những vị trí chủ chốt trong các chaebol càng khiến cấu trúc của các tập đoàn thêm rệu rã.

Theo BBC, cùng rơi vào khủng hoảng nhưng sự cố của Samsung không rơi vào yếu tố cấu trúc công ty như hai tập đoàn Hanjin và Lotte. Gia đình điều hành Lotte đang có cuộc tranh giành quyền lực. Hai người con trai của nhà sáng lập đã đấu đá nhiều năm nay, thậm chí đưa nhau ra tòa. Trong khi đó, việc quản trị trong Hanjin Group từ lâu đã bị chỉ trích rất nặng nề.

Hồi thập niên 80 và 90, Korean Air để xảy ra hàng loạt tai nạn. Dư luận cho rằng, nguyên nhân một phần do văn hóa phân cấp quá nặng nề của công ty, khiến các nhân viên cấp thấp không dám nêu ý kiến. Nhiều chaebol tại Hàn Quốc cũng rơi vào tình trạng như Lotte và Hanjin khi không chịu đổi mới và có tinh thần doanh nghiệp như trước. Các chaebol lớn đang là mục tiêu chỉ trích của rất nhiều người, đặc biệt là những cổ đông của công ty. Trong số những nước phát triển tại châu Á, cổ tức của các công ty tại Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất. Cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) đã liên tục phản đối các hành động sáp nhập và thao túng ngầm của những gia đình đang chi phối các chaebol, vì cho rằng thế là bất bình đẳng với các cổ đông thiểu số trong công ty. Tuy nhiên, những phản đối này thường không đem lại hiệu quả bởi vị thế và mối liên kết chính trị - kinh tế của các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc là quá chặt chẽ. Trước những chỉ trích ngày càng gia tăng, những chaebol bắt đầu nhận ra họ đang dần mất đi niềm tin và ảnh hưởng trong công chúng và gia tăng rủi ro khi chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế tiếp lên điều hành. Đây là một trong những lý do khiến các tập đoàn gia tăng mua lại cổ phiếu từ cổ đông, vừa nhằm củng cố vị thế biểu quyết trong hội đồng quản trị vừa để làm giảm sự bất mãn của các nhà đầu tư. Nhưng đến khi khủng hoảng xảy ra, lãnh đạo các chaebol sẽ là người tìm cách tháo chạy, thay vì cùng hợp sức giải quyết khủng hoảng. Ví dụ như trường hợp xảy ra tại Hanjin Shipping. Bà  Choi Eun-young, người điều hành công ty từ năm 2007 tới 2014, con dâu của ông Cho Choong-hoon, người sáng lập tập đoàn Hanjin, đã bị các công tố viên Hàn Quốc cáo buộc từng bán cổ phiếu của công ty trước khi giá cổ phiếu lao dốc vì tin xấu.

Khủng hoảng ở chaebol Hàn Quốc ảnh 2

Chaebol là từ chỉ các tập đoàn gia đình tại Hàn Quốc vốn được xem là niềm tự hào của nền kinh tế ở xứ kim chi. Chaebol được hình thành từ thập niên 1960 dưới chính sách của Tổng thống Park Chung Hee, để đưa một Hàn Quốc từ quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một cường quốc kinh tế như hiện này.

Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul đã gửi yêu cầu đến một tòa án địa phương để xin lệnh bắt Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, với tội danh tham ô và vi phạm lòng tin. Chủ tịch Shin bị tình nghi là chủ mưu của hàng loạt giao dịch mờ ám giữa các chi nhánh của tập đoàn cũng như tham gia thành lập một quỹ đen tồn tại hơn 10 năm qua. Các công tố viên cũng lần lượt thẩm vấn ông Shin Dong-joo, anh trai của Chủ tịch Shin, và ông Shin Kyuk-ho, người sáng lập Lotte, vì những cáo buộc liên quan đến biển thủ công quỹ và hối lộ.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục