Một liều thuốc hạ huyết áp thông thường có giá khoảng 26 USD được bán cho các bệnh viện với giá 1.200 USD. Chỉ trong 15 tháng đã có đến 15 người chết vì không có thuốc chữa bệnh kịp thời. Kể từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ thiếu hụt thuốc điều trị tăng gấp ba lần, từ 70 loại thuốc tăng đến 280 loại. Nước Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thuốc chữa bệnh nghiêm trọng.
Tại một cuộc điều trần trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng của Hạ viện cuối tuần trước, nhiều quan chức y tế và chuyên gia dược phẩm thừa nhận tình trạng thiếu hụt thuốc ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh và làm đội chi phí chữa bệnh lên cao. Phần lớn kho thuốc của các bệnh viện luôn thiếu hụt các loại hóa trị, thuốc nhiễm trùng và các loại thuốc cấp cứu.
Kết quả một cuộc khảo sát do Hiệp hội các bệnh viện Mỹ (AHA) tiến hành hồi tháng 6 vừa qua cho thấy, trong vòng 6 tháng đầu năm, hầu hết các bệnh viện trên toàn nước Mỹ đều ít nhất một lần phải đối mặt với tình trạng thiếu một loại thuốc quan trọng nào đó. Theo Hiệp hội Y tế của Mỹ, tình trạng thiếu hụt này khiến các bệnh viện mỗi năm tốn thêm ít nhất 415 triệu USD để mua thuốc “ngoài luồng”. Các bệnh viện đang tính chuyện quẳng gánh “chi phí phụ trội” cho bệnh nhân và các công ty bảo hiểm.
Một cuộc điều tra riêng của hãng tin AP tiết lộ sự thiếu hụt thuốc, chủ yếu là thuốc tiêm thông thường có giá rất rẻ khiến nhiều ca phẫu thuật và điều trị ung thư phải bị trì hoãn, bệnh nhân phải chịu những nỗi đau thể xác lẽ ra tránh được và làm giảm hiệu quả chữa bệnh. Theo TS Robert S. DiPaola, Giám đốc Viện Ung thư New Jersey, sự khan hiếm các loại thuốc trị ung thư phổ biến không chỉ làm bệnh nhân đau đớn mà còn làm trì hoãn những nghiên cứu lâm sàng các phương pháp trị bệnh mới.
Có đến hơn một nửa trong số 549 bệnh viện ở Mỹ tham gia cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu sử dụng thuốc an toàn cho biết đã từng mua thuốc từ thị trường chợ đen với giá ngất ngưởng bởi không còn cách nào khác để có thuốc cho bệnh nhân.
Một loại thuốc khan hiếm được một “nhà buôn cấp hai” bán với giá gấp 650% giá trung bình. Hầu hết là thuốc gây mê cho phẫu thuật, thuốc cấp cứu, ung thư, các bệnh truyền nhiễm và thuốc giảm đau. Vẫn biết không còn sự lựa chọn nào khác nhưng việc mua thuốc từ thị trường chợ đen thực sự là canh bạc nguy hiểm đối với sức khỏe bệnh nhân vì không ai dám đảm bảo chất lượng thuốc cũng như chất lượng bảo quản.
Sự cẩu thả có thể làm biến đổi các thành phần thuốc, dẫn tới thuốc không còn tác dụng đầy đủ hoặc thậm chí gây nguy hiểm. Ít nhất 15% bệnh nhân tử vong là do thiếu thuốc nhưng hầu hết những trường hợp này đều bị giấu nhẹm. Ví dụ tiêu biểu là bang Alabama, nơi có 9 bệnh nhân tử vong, 10 bệnh nhân bị nhiễm trùng trong khi truyền thức ăn qua ống dẫn không được vô trùng vì thiếu thuốc.
Cuộc điều tra còn cho thấy một số công ty dược phẩm đã thông đồng, chủ động đưa thuốc ra thị trường trôi nổi nhằm tạo tình trạng khan hiếm thuốc để bán với giá cao hơn. Oái oăm thay, một nước Mỹ tự hào với hệ thống luật pháp rộng lớn và chặt chẽ nhất nhì thế giới lại không có luật trừng phạt những kẻ kiếm lợi một cách nhẫn tâm trên sinh mạng con người bằng việc bán thuốc với giá cắt cổ.
HẠNH CHI