Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ bắt đầu triển khai chương trình đưa các chuyên gia thương mại chuyên về sản phẩm kỹ thuật số làm việc như kiểu tùy viên thương mại tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các thị trường mới nổi. Đây là một phần của chương trình thí điểm nhằm giúp các doanh nghiệp Mỹ tại nước ngoài đẩy mạnh kinh doanh những sản phẩm liên quan đến kỹ thuật số ở nước ngoài. Các tùy viên này sẽ sử dụng chuyên môn hỗ trợ xuất khẩu cho các công ty Mỹ đang cố gắng xâm nhập thị trường mới cũng như tuân thủ các chính sách về Internet tại các nước sở tại.
Chương trình thí điểm được tung ra nhắm đến 8 thị trường lớn của Mỹ, trong đó có Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và ASEAN. Theo người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ, mỗi thị trường sẽ có một tùy viên. Cũng theo bộ này, trong năm 2014, Mỹ xuất khẩu khoảng 400 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Pritzker, “Nhiệm vụ của các tùy viên là làm sao để bán các sản phẩm kỹ thuật số dễ dàng hơn”.
Động thái này được đưa ra khi Mỹ và Liên minh châu Âu đang đàm phán về khuôn khổ pháp lý của các cơ chế bảo mật, theo đó cho phép các công ty dễ dàng chuyển dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng qua lại với nhau. Thỏa thuận trước đó, được gọi là Safe Harbor, bị Tòa án công lý châu Âu bác bỏ do liên quan đến những tiết lộ về chương trình của Mỹ theo dõi thông tin cá nhân.
Trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được 12 nước thành viên phê chuẩn, các công ty công nghệ cao tại thung lũng Silicon của Mỹ được Nhà Trắng quan tâm đặc biệt về khả năng tăng tốc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ của Mỹ. TPP bao gồm một loạt các vấn đề bao gồm cả truyền thông Internet, thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ ...Về tổng thể, đó sẽ là một lợi thế cho nền kinh tế Mỹ - đặc biệt là riêng tại bang California và thung lũng Silicon, vì nó thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số thông qua Internet.
Theo Phòng thương mại Mỹ, với tính chất liên kết ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu, chưa bao giờ một công ty Mỹ có thể dễ dàng kết nối với các công ty trên thế giới để trở thành một công ty đa quốc gia như hiện nay. Để đưa sản phẩm đến 95% người tiêu dùng sống bên ngoài nước Mỹ là niềm mơ ước của các công ty chuyên về sản phẩm kỹ thuật số của Mỹ. Nền thương mại liên quan đến các sản phẩm kỹ thuật số tạo ra hơn 8 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và kéo theo ngành kinh doanh truyền dữ liệu đạt 2,8 nghìn tỷ USD. Dòng tiền này chảy vào các công ty thuộc mọi lĩnh vực, trong đó 3/4 số tiền dành tích lũy cho các công ty trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số, chẳng hạn như các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và ngân hàng.
Do đó, việc hình thành chương trình thương mại kỹ thuật số là sáng kiến được chào đón. Phòng thương mại Mỹ cho biết vấn đề thương mại liên quan đến kỹ thuật số đang là ưu tiên hàng đầu của họ nhằm đảm bảo rằng những lợi ích to lớn của thương mại kỹ thuật số tiếp tục phát triển. Họ tin rằng các tùy viên kỹ thuật số sẽ giúp tạo ra thêm hàng triệu công ăn việc làm ở cả Mỹ và tại các thị trường là đối tác của Mỹ.
KHÁNH MINH