Khuyến cáo người dân sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng

*Kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp nuôi gà trong nội thành, các điểm giết mổ và kinh doanh trái phép
Khuyến cáo người dân sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng

*Kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp nuôi gà trong nội thành, các điểm giết mổ và kinh doanh trái phép

*Triển khai tháng tiêu độc khử trùng từ 23-2 đến 23-3
 
(SGGPO).- Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện 6 tỉnh thành trong nước và dịch bệnh ở các nước, ngày 24-2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm ký văn bản về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn TPHCM.

Kiên quyết xử lý dứt điểm việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép. Ảnh: Quang Khoa

Theo đó, các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm có khả năng lây lan qua người. Tăng cường thông tin sâu rộng đến người dân về nguy cơ, để người dân chủ động phòng chống theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; khuyến cáo người dân chỉ sử dụng sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã kiểm dịch của thú y. Đồng thời quản lý chặt gia cầm nuôi ở TP, giám sát để phát hiện sớm dịch bệnh và xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng, nhất là khu vực giáp ranh các tỉnh, các vùng dịch cũ. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nuôi gia cầm nhỏ lẻ, gà đá không đăng ký với địa phương và không đảm bảo an toàn sinh học, nhất là quận nội thành và quận ven. Tập trung triển khai các biện pháp xử lý dứt điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép, đồng thời chốt chặn tại các điểm kinh doanh trái phép này. Ban quản lý các chợ chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền, vận động người kinh doanh, chủ buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc đã kiểm dịch

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp chỉ đạo Chi cục thú y giám sát chặt tình hình dịch tễ, nhất là khu vực giáp ranh, việc chấp hành các quy định trong vận chuyển, giết mổ tại trạm, các điểm kinh doanh, các đầu mối giao thông, các chợ...

Việc chấp hành các các biệp pháp an toàn sinh học, tiêu độc, sát trùng các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, phương tiện vận chuyển. Chủ động phối hợp ngành y tế giám sát các trường hợp nghi nhiễm virut cúm A (H5N1, H5N7, H7N9) trên người và đàn gia súc. Nhằm cảnh báo nguy cơ có thể phát sinh dịch bệnh. Tăng cường lấy mẫu mới xét nghiệm, đánh giá tình hình lưu hành virus. Triển khai tháng tiêu độc khử trùng từ 23-2 đến 23-3. Phối hợp ban quản lý chợ, đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý, tiêu hủy các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc, bao bì nhãn hiệu hàng hóa không đúng quy định tại các chợ, cửa hàng, nhà hàng... Thường xuyên cập nhật các điểm nóng kinh doanh gia cầm trái phép, kịp thời thông báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm TP, quận huyện để xử lý triệt để. Tăng cường việc phối hợp chi cục thú y các tỉnh trong phòng chống, hỗ trợ các tỉnh giám sát dịch bệnh, cảnh báo kịp thời nguy cơ xảy ra dịch cúm.

UBNDTPHCM cũng chỉ đạo sở công thương, y tế, thông tin truyền thông trong việc phối hợp phòng chống, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm; yêu cầu các cơ sở kinh doanh, chế biến cam kết sử dụng sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng. Đẩy mạnh tuyền truyền phòng chống dịch cúm A trên người từng hộ dân, khu phố, bệnh viện, trường học để người dân nâng cao nhận thức trong phòng chống; cảnh giác nguy cơ bùng phát cúm A trên người. Thường xuyên giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm A trên người...

CÔNG PHIÊN 

Tin cùng chuyên mục