Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TƯ ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư khóa X về “tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã có những chuyển biến tích cực. Trao đổi với PV Báo SGGP, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, nếu việc đảm bảo quyền lợi và đời sống của người lao động được thực hiện tốt, quan hệ lao động sẽ không phức tạp và ngược lại.
* Phóng viên: TPHCM là địa bàn có đông công nhân lao động nhất cả nước, đồng chí đánh giá như thế nào qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư trên địa bàn?
* Phó Bí thư Thành ủy NGUYỄN THỊ THU HÀ: 5 năm qua, TPHCM triển khai thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư đã đem lại những thay đổi tích cực về nhiều mặt, nhất là điều kiện làm việc, sinh sống của công nhân, lao động trên địa bàn. Ngay từ khi triển khai chỉ thị, thành phố đã kiên trì thực hiện 2 nhóm giải pháp trọng tâm là tập trung thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và nhận thức chính trị cho công nhân lao động và nhóm giải pháp tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, khuyến khích xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất, từ đó chăm lo, cải thiện nơi ở, sinh hoạt, ổn định đời sống công nhân lao động.
* Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, một trong những điều đáng lo ngại là chất lượng lao động. Thống kê cho thấy chỉ có 34% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng lao động. Đồng chí đánh giá như thế nào về nguồn lực trẻ thành phố đang nắm giữ?
* Như tôi đã đề cập ở trên, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho công nhân lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà TPHCM thực hiện xuyên suốt nhiều năm nay. Thành phố đã đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo và dạy nghề bằng nguồn vốn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội, hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2020; xây dựng hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng tại 24/24 quận, huyện; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng chất lượng các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề; tặng học bổng để khuyến khích công nhân lao động nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề.
Đối với công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hàng năm LĐLĐ thành phố và Thành đoàn đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức ôn luyện tay nghề, thi nâng bậc thợ, thi thợ giỏi cho hàng ngàn công nhân lao động. Quỹ hỗ trợ công nhân đã trao gần 200 suất học bổng, gần 1 tỷ đồng cho công nhân tiêu biểu; hỗ trợ cho 600 công nhân vay vốn với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng (lãi suất 0%) để đi học… Với các giải pháp trên, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của thành phố đến nay đã đạt 66%, tăng 14% so với năm 2008 năm bắt đầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 22.
* Mặc dù ở TPHCM, số vụ tranh chấp lao động và ngừng việc giảm dần nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; trong đó có phần nguyên nhân quan trọng là đời sống của nhiều công nhân lao động vẫn còn rất khó khăn. TPHCM sẽ có những giải pháp đột phá gì để ổn định quan hệ lao động trên địa bàn?
* Trong những năm trước mắt, vấn đề việc làm, tiền lương, nhà ở, đời sống vật chất, văn hóa của công nhân lao động vẫn là yêu cầu hết sức bức thiết. Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân thành phố sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao hơn nữa các giải pháp đã và đang thực hiện. Trước hết, để tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp có hiệu quả đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cần phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, xử lý các sai phạm; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp, tập trung xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong những doanh nghiệp chưa có tổ chức và chỉ đạo làm tốt công tác phát triển đảng viên hơn nữa, nhất là trong những doanh nghiệp có đông công nhân.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ kiến nghị với Trung ương, Chính phủ và các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung hệ thống chính sách pháp luật về việc làm, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tiền lương tối thiểu phù hợp với Hiến pháp năm 2013; có cơ chế khuyến khích người sử dụng lao động tham gia xây dựng các công trình phúc lợi cho người lao động, tiếp tục thu hút công nhân, lao động vào tổ chức đoàn thể.
* Là nơi tập trung đông công nhân lao động đang trong độ tuổi xây dựng gia đình, TPHCM có giải pháp gì để không lặp lại tình trạng bảo mẫu bạo hành trẻ em?
* Đó là một vài vụ việc đau lòng mà mỗi người dân thành phố đều rất quan tâm, bức xúc. Ban Thường vụ Thành ủy đã khẩn trương chỉ đạo tập trung một số giải pháp khắc phục như đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà trẻ trong khu chế xuất, khu công nghiệp; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho bảo mẫu ở các điểm nuôi dạy trẻ ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình. Nâng chế độ hỗ trợ lên 25% đối với cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục công lập và 35% đối với cán bộ và nhóm giáo viên trực tiếp nuôi dạy trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi; đặc biệt từ năm học 2014 - 2015 một số trường mầm non công lập của thành phố sẽ thí điểm nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, qua đó góp phần giúp công nhân lao động an tâm làm việc.
* Xin cảm ơn đồng chí!
HỒNG HIỆP (thực hiện)