Kịch bản phim truyền hình: Không chỉ có chuyển thể

Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Để đáp ứng, “bài toán” kịch bản là thử thách không nhỏ với các ê kíp sản xuất phim truyền hình. 
Rồi 30 năm sau gây chú ý ở dòng phim xưa. Ảnh: ĐPCC
Rồi 30 năm sau gây chú ý ở dòng phim xưa. Ảnh: ĐPCC

Bình cũ, rượu mới

Chuyển thể, bao gồm từ các tác phẩm văn học, sân khấu, phim nước ngoài… vẫn đang là xu hướng nổi trội trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình. Hai tác phẩm mới nhất, lên sóng VTV3 - phim Hành trình công lý (đạo diễn NSƯT Nguyễn Mai Hiền) được mua bản quyền từ Đài truyền hình CBS (Hàn Quốc) và lên sóng SCTV14 - phim Lỗi đạo cang thường (Hồ Ngọc Xum) dựa trên hai tiểu thuyết nổi tiếng Bỏ vợBỏ chồng của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Cũng đang lên sóng HTV2 có Giấc mơ của mẹ (Nguyễn Minh Chung), được làm lại từ tác phẩm All about my mom ăn khách của Hàn Quốc. Trước đó không lâu, phim Vợ quan (NSƯT Nhâm Minh Hiền) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, hay Thương ngày nắng về (Bùi Tiến Huy) cũng được chuyển thể từ phim Hàn Quốc.

Đặc biệt, nhiều vở cải lương đã bước lên màn ảnh nhỏ và thu về những thành công vang dội. Gần nhất là trường hợp của Duyên kiếp (Chu Thiện) - chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của tác giả Hoàng Song Việt, liên tiếp phá vỡ các kỷ lục rating (lượng theo dõi).

Tiếp nối, Rồi 30 năm sau (Nguyễn Quang Minh) cũng được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên của 2 soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng. Năm 2019, vở cải lương Lôi vũ (hai soạn giả Hồng Cân và Thế Châu) cũng là nền tảng tuyệt vời để đạo diễn Nguyễn Phương Điền thực hiện Tiếng sét trong mưa và thu về thành công vang dội. Trả lời câu hỏi về vấn đề chuyển thể, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, giám đốc sáng tạo Giấc mơ của mẹ, chia sẻ: “Chúng tôi quyết định chuyển thể phim vì thấy nó hay, gần gũi. Ý hay thì mình cứ giữ lại. Cái nào chưa hay, chưa gần gũi, mình sửa lại cho phù hợp hơn. Đây mới là tinh thần đúng của việc chuyển thể”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà làm phim nỗ lực sáng tạo kịch bản gốc, thay vì dựa vào chuyển thể. Như trường hợp của Bão ngầm (Đinh Thái Thụy), hay Đấu trí (NSƯT Nguyễn Danh Dũng) được đội ngũ biên kịch dựa trên nhiều vụ án có thật. Gara hạnh phúc, Lối nhỏ vào đời, Lối về miền hoa, Mặt trời khuyết, Hồ sơ tội ác… mang đến những góc nhìn khác nhau ở những đề tài tưởng chừng đã cũ. 

Kịch bản phim truyền hình: Không chỉ có chuyển thể ảnh 1 Rồi 30 năm sau gây chú ý ở dòng phim xưa. Ảnh: ĐPCC
Đạo diễn Đặng Minh Quốc (phim Mặt trời khuyết) chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi, nguồn ý tưởng kịch bản của chúng ta còn rất nhiều chất liệu thú vị, nhưng chưa được khai thác, từ tâm lý xã hội cho đến hình sự, thậm chí là cổ trang. Vấn đề nằm ở cách viết, cách khai thác câu chuyện của biên kịch, và cách kể chuyện của riêng đạo diễn”.  

Giải bài toán khó

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, với phim remake (làm lại), việc chuyển thể nói dễ thì không dễ nhưng cũng không khó để Việt hóa. Điều này hoàn toàn dựa vào sự bình tĩnh của những người chuyển thể và không nên quá bám theo kịch bản gốc. Thực tế ai cũng hiểu, việc nhà sản xuất chọn remake vì ít kịch bản gốc tốt và bản thân đội ngũ biên kịch chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay. Do đó, đây là giải pháp an toàn.

Hiện nay, thực tế phổ biến trong phim truyền hình là có nhiều đề tài giống nhau cùng xuất hiện trên màn ảnh. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, mỗi bộ phim, mỗi vùng miền lại có cách truyền tải khác nhau. Thách thức đặt ra ở đây là làm thế nào để tạo dấu ấn riêng nhằm thu hút khán giả.

Điều quan trọng nhất trong quá trình chuyển thể, ngoài việc chọn được cốt truyện hay, còn phải có dấu ấn cá nhân, biến cái của họ thành của mình. Ở khía cạnh này, đạo diễn Nhâm Minh Hiền và nhóm biên kịch rất thấm thía với hơn 2 năm chuyển thể kịch bản Vợ quan. Anh cho biết, chỉ giữ 40% tình tiết ở tiểu thuyết gốc. “Sở dĩ quá trình chuyển thể kịch bản này khá công phu, vì nếu giữ nguyên câu chuyện gốc để làm thành phim thì thời lượng chỉ kéo dài khoảng 10 tập phim. Tuy nhiên, ở phiên bản gốc lại có khá nhiều tình tiết, mối quan hệ đan xen giữa các nhân vật khá thú vị mà tác giả chưa khai thác hết. Đối với người xem, việc chuyển thể kịch bản tưởng chừng đơn giản, thế nhưng đã có lúc tổ biên tập cực kỳ bế tắc”, anh nhấn mạnh.

“Bài toán” đó không chỉ đúng với việc chuyển thể từ phim nước ngoài. Theo biên kịch Hạ Thu (phim Duyên kiếp) dù tôn trọng tuyệt đối tính nhân văn và chủ đề của soạn giả Hoàng Song Việt, song, trong quá trình chuyển thể, giữa vở cải lương 2 giờ và khi chuyển thể thành bản phim dài 37 tập, Hạ Thu phải thêm nhiều tình tiết để tô đậm tính cách nhân vật nhằm thu hút khán giả, cùng đó là thêm các nhân vật phụ không có trong bản gốc. Tương tự, đạo diễn Hồ Ngọc Xum cũng dành đến hơn 2 năm để biên tập, chọn lọc những tình tiết đắt giá từ hai tiểu thuyết gốc nhằm bật lên chủ đề chính. Ông mong muốn, bộ phim không chỉ nêu bật tình nghĩa vợ chồng, là ăn đời ở kiếp với nhau, nó còn là những triết lý xoay quanh văn hóa Á Đông là tam cang, ngũ thường.

Với phim truyền hình, theo bà Vũ Thị Bích Liên, để thu hút khán giả theo dõi qua mỗi tập, đòi hỏi cách xử lý khéo léo của đạo diễn. Do đó, mỗi tập khi quay, dựng phải có cái gì đó để khán giả xem được, xem tiếp. Đó là lý do khi thực hiện Mặt trời khuyết, để không gây nhàm chán cho khán giả, đạo diễn Minh Quốc chọn lối kể chuyện đan xen nhiều tuyến nhân vật, nhiều vụ án lồng ghép vào nhau, thay đổi trình tự thời gian… “Cách kể chuyện này khiến khán giả muốn hiểu được câu chuyện buộc lòng phải theo dõi và bám sát phim, nếu không sẽ bị lỡ mất tình tiết quan trọng”, anh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục