Kịch bóng - Nghệ thuật của sự hồn nhiên

Chỉ diễn một đêm duy nhất tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) nhưng vở kịch bóng mang tên Biên giới (Frontie’res) do Đoàn nghệ thuật Les Re’mouleur (Pháp) biểu diễn đã đem lại nhiều ấn tượng với khán giả.

Với khán giả Việt Nam, khái niệm kịch bóng còn khá mới mẻ. Nhiều khán giả từng được tiếp xúc với kịch bóng qua một vài cảnh kịch bóng Trung Hoa trong bộ phim Phải sống (đạo diễn Trương Nghệ Mưu - giải Cành cọ vàng ở LHP Cannes năm 1994). Kịch bóng Trung Hoa có hát, có nhạc, có tiếng trống, tiếng gõ của thanh gỗ, chũm chọe…

Sân khấu chỉ có một tấm vải trắng căng ra như chiếc phông để chiếu phim, có đèn chiếu sáng để lấy bóng các nhân vật, các nghệ sĩ hai tay cầm que điều khiển con rối diễn tả các tích trò trai gái yêu đương, tướng sĩ cưỡi ngựa đánh nhau trên trận tiền... Tay điều khiển rối, miệng nói cương hoặc hát theo câu chuyện...

Cốt truyện của vở Biên giới rất đơn giản. Một chàng trai trẻ trong hoàn cảnh sống khó khăn, muốn vượt biên sang nước khác để kiếm việc làm. Cả nhà góp tiền cho anh. Kẹp sẵn đồng tiền vào giữa cuốn hộ chiếu, anh tìm đến người môi giới và được đưa lên một chiếc ô tô khách đi qua biên giới. Ở cửa khẩu anh bị chặn xét, cảnh sát cửa khẩu lấy đồng tiền kẹp giữa hộ chiếu rồi cho anh qua.

Anh đi rất lâu trên nước bạn, qua thành phố, làng mạc để tìm việc, đói, khát… Anh còn bị truy đuổi, bị bắt, bị lột sạch tiền và trục xuất về nước. Về nhà, anh lại gom tiền, lại tìm đến kẻ môi giới để vượt biên bằng đường biển. Thuyền lênh đênh trên biển qua phong ba bão tố, gặp bão lớn bị sóng đánh chìm, bao nhiêu người chết, bị cá lớn ăn thịt... Anh gặp may, sau khi vùng vẫy được sóng đánh lên bờ và được cứu…

Vở kịch dài khoảng một giờ, thừa hưởng nghệ thuật kịch rối và kịch bóng của Trung Hoa, không có lời thoại giữa các nhân vật, diễn biến câu chuyện được kể qua điệu bộ cử động của con rối que do người nghệ sĩ điều khiển, kết hợp với hiệu ứng âm thanh, tiếng động minh họa rất ăn ý… Như những lúc nhân vật chính bị truy đuổi, hoảng sợ, chạy trốn thì tiếng trống dồn dập; vào thời khắc báo hiệu nguy hiểm thì nghệ sĩ dùng một sợi xích sắt thả từ trên cao xuống một chiếc khay sắt, tạo ra âm thanh căng thẳng...

Phối hợp với âm thanh của bộ gõ và cử động của nhân vật rối còn có hiệu ứng ánh sáng với công nghệ hiện đại. Ánh sáng lúc đậm, lúc nhạt, lúc ngập tràn, lúc sầm tối, lúc le lói, lúc chói chang và kết hợp với những hình thù quái dị của nhân vật hay của những bóng ma, khi thu nhỏ, khi phóng to, khi xoay tròn, khi lộn ngược... đã tạo nên hiệu quả và làm cho câu chuyện kịch trở nên sinh động.

Trong vở kịch còn có một bài hát đồng dao của Thái Lan do một giọng hát trẻ em thể hiện, kể về cuộc phiêu lưu của một chú chim đi tìm một cái tổ mới, được hát kèm với một bài thơ phổ nhạc do nghệ sĩ bộ gõ Francesco Pastacaldi và nghệ sĩ đa nhạc cụ Ajan Ko sáng tác. Giọng hát trong trẻo của đứa trẻ đã làm dịu đi cái không khí nặng nề của câu chuyện vượt biên đầy nguy hiểm, gian truân của nhân vật chính. Vở diễn còn có sự tham gia của nhóm nghệ sĩ múa rối truyền thống Thái Lan (Ban Silpa Khang và Empty Space Chiang Mai).

Khán phòng của Trung tâm Văn hóa Pháp chật kín khán giả, trong đó có nhiều trẻ em đi xem đầy thích thú và say mê. Thế mới thấy, nghệ thuật múa rối, hay kịch rối, kịch bóng chính là nghệ thuật dành cho con trẻ, bởi tính hồn nhiên, kích thích trí tưởng tượng mạnh mẽ - điều mà trẻ con bao giờ cũng có sẵn.

Có lẽ đó là nguyên nhân chính làm cho kịch bóng trở nên hấp dẫn qua hàng trăm năm tồn tại đến ngày nay. Nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam ta không phát triển bộ môn rối bóng, âu cũng là điều thiệt thòi cho trẻ em của chúng ta.

DƯƠNG MINH

Tin cùng chuyên mục