Thời gian gần đây, sức mua giảm mạnh không hẳn do người dân tiết kiệm chi tiêu mà còn có nguyên nhân niềm tin của người tiêu dùng đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp (DN) về tình trạng hàng tồn kho không giảm.
Trên thực tế, người tiêu dùng cần mua hàng chất lượng thật, giá thật, nhưng bây giờ không biết đâu là thật. Mỗi ngày lại nghe thêm thông tin hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm không an toàn cho sức khỏe đưa ra thị trường rồi mới bị phát hiện, giá bán hàng cao hơn giá trị thật… đã làm giảm niềm tin của người dân vào năng lực quản lý nhà nước cũng như các DN.
Điển hình là hàng loạt vụ việc vừa diễn ra như trái cây bị lạm dụng hóa chất, gà dai nhập khẩu, dư luận lên tiếng, hoài nghi về tính an toàn và dinh dưỡng, nhưng cách xử lý cuối cùng chỉ là siêu thị rút hàng khỏi quầy! Cơ quan quản lý đã không có những biện pháp xử lý thỏa đáng, hoặc công bố với người tiêu dùng về chỉ tiêu, chất lượng những sản phẩm mà họ nghi ngờ...
Kết quả nghiên cứu thói quen mua sắm của một hệ thống siêu thị hàng đầu tại TPHCM cho thấy, tần suất một người đi mua sắm ở siêu thị đang giảm đi. Mỗi lần mua số lượng hàng hóa có nhiều hơn nhưng trị giá hóa đơn không cao. Theo đó, người mua chỉ tập trung vào những hàng khuyến mãi, hàng tiêu dùng thường xuyên như thực phẩm, hóa phẩm. Đối với nhóm hàng khuyến mãi, người tiêu dùng luôn có tâm lý “coi chừng hàng gần hết hạn sử dụng, hàng tồn đem ra bán” nên siêu thị chỉ tập trung vào những thương hiệu đã được tín nhiệm nhiều năm. Do vậy cơ hội thâm nhập siêu thị cho những nhãn hàng mới của DN mới rất ít. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong 9 tháng đầu năm 2012, mức độ quan tâm về an toàn thực phẩm đối với nhóm hàng thực phẩm hàng tươi sống ngày càng tăng lên.
Trở lại với vấn đề niềm tin, nhiều ý kiến cho rằng, những gói kích cầu hàng tiêu dùng nhà nước đưa ra chỉ làm thị trường ấm lên trong một thời gian ngắn. Trong khi điều cần làm hiện nay là phải có những hành động kịp thời và quyết liệt để người dân tin vào quản lý nhà nước, tin vào DN và tin vào chất lượng hàng hóa muốn mua! Nói cách khác, để giải phóng nhanh lượng hàng tồn, kích cầu sức mua, trước hết chúng ta cần có những biện pháp để kích cầu niềm tin đối với người dân. Đặc biệt, đối với các DN, họ đang quên đi những điều căn bản là làm hàng chất lượng thật, có giá cả thật và phục vụ thật. Các doanh nhân nên tập thói quen lắng nghe phản ảnh về cách phục vụ của mình có làm khách hàng hài lòng chưa, bởi thực tế chi phí đi mở thị trường mới thường cao hơn nhiều so với chi phí giữ khách hàng cũ.
Hơn lúc nào, chính DN phải khôi phục niềm tin, đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên, coi trọng an toàn vệ sinh và chất lượng thật thì mới có thể “phá băng” sức mua trong những tháng cuối năm.
Thúy Hải