Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, rất hiếm đàn ông muốn làm nội trợ thay vợ. Vở kịch “Binh nhì Van Aken, địch cười chết” vừa ra mắt tại Bỉ khiến khán giả vừa cảm nhận sự đầm ấm với giá trị gia đình vĩnh cửu, vừa bật cười lạ lẫm.
Một trong những nội dung giới thiệu gây tò mò về vở này là: “Thời đó, nghĩa vụ quân sự là bắt buộc. Không phải lính giỏi nhưng Lode Van Aken (1943-2021) đã trở thành một trong những ông bố nội trợ đầu tiên ở nước ta đầu những năm 1970”.
Con trai của Lode Van Aken là Adriaan Van Aken, đang làm đạo diễn sân khấu tại Bỉ. Hai năm sau khi người cha Lode Van Aken qua đời (2021), Adriaan quyết định nghiên cứu tư liệu, phỏng vấn người thân trong gia đình, biên tập nội dung và đưa chuyện bố nội trợ lên sân khấu. Người dẫn dắt vở kịch này là Maria Julia (13 tuổi), con gái của Adriaan và cũng là cháu gái duy nhất của “ông nội trợ”.
“Binh nhì Van Aken, địch cười chết”- tên vở kịch - cũng là tuyên bố của một sĩ quan quân đội khi chứng kiến màn trình diễn vụng về và thất bại thảm hại của anh lính Lode Van Aken trong cuộc diễn tập bắn súng, tấn công thời đó.
Người viết bài này là một trong 40 khán giả được xem buổi diễn vừa rồi tại OPEK - Trung tâm Nghệ thuật công cộng tại thành phố Leuven (Bỉ). Con số 40 không phải do ít người xem, mà loại hình kịch này chỉ xếp tối đa 40 ghế trong khán phòng nhỏ. Hôm ấy kín chỗ.
Adriaan và con gái Maria Julia hầu như không phải diễn. Họ chạy đi chạy lại trên sân khấu như những nhân viên hậu đài, mở hộp tìm kỷ vật, đặt ảnh vào máy chiếu, sắp xếp đạo cụ theo lời kể của các nhân vật đã được thu âm... Nhân vật chính - ông nội trợ, xuất hiện qua lời kể, hồi tưởng (phát podcast) của vợ và các anh chị em. Sân khấu chỉ kê chiếc giường tầng, một điển hình giường lính nhưng cũng là hình ảnh thân quen trong phòng ngủ các gia đình đông con. Vậy điều gì đã níu mắt và tai người xem suốt 60 phút?
Kịch nghệ ở châu Âu đang thay đổi. Sân khấu không quá cứng nhắc mà là một sân khấu đa phương tiện để giữ chân khán giả cao niên, trung niên lẫn thanh niên. Loạt 8 podcast là một phần của vở kịch nhưng cũng được nhà sản xuất tổ chức phát độc lập phục vụ người yêu thích loại hình phát thanh.
Bên cạnh đó, tính ước lệ và tượng trưng của sân khấu vẫn được chăm chút tinh tế. Trên cái giường tầng ấy, người ta thấy được cả những cụm bông trắng nhỏ xíu được treo lên như áng mây, thấy ánh đèn vàng ấm áp hắt qua khung cửa ngôi nhà làm bằng carton, thấy bím tóc con gái được bọc lụa cất trong hộp giấy. Chiếc xe tăng bằng nhựa và bộ dao đa năng trong quân ngũ cũng nhỏ xinh như những cuộn chỉ, khuy áo, bàn là, hộp diêm, giỏ đựng bánh mì...
Bà Tree Van Gerwen, vợ của Lode, nói rằng nhờ chồng toàn tâm toàn ý chăm sóc con cái và gia đình nên bà mới phát huy được khả năng sáng tạo nghệ thuật. Còn trong mắt con trai Adriaan, hình ảnh người cha nội trợ ấm áp lắm. “Đối với chúng tôi đó là điều bình thường nhất trên đời. Nhưng bên ngoài, đôi khi người ta nhìn kiểu khác, họ coi bố tôi là loại đàn ông lười biếng, thiếu khí chất. Bố không phải kiểu đàn ông cơ bắp ngổ ngáo, ông cũng không quan tâm chỉ trích. Bố tự hào là người đàn ông của gia đình”, Adriaan bày tỏ.
Trong 60 phút sống cùng ký ức, người xem còn được tham gia cùng câu chuyện khi cô bé Maria Julia trao một số đồ vật nhỏ xíu cho khán giả chuyền tay nhau ngắm nghía. Chiếc giường tầng thoắt biến thành một góc triển lãm, phòng chiếu phim, thành dãy phố tuổi thơ thân quen khi vang lên bài hát “Kom uit de bedstee, mijn liefste” (tạm dịch - Thức dậy đi, người yêu ơi) đầy hoài niệm khoảng cuối thập niên 60. Đồ vật, âm nhạc, podcast, hình ảnh, ánh sáng... kết nối cô bé Maria Julia với thế hệ của ông mình và khẳng định giá trị gia đình. Hộp quà được mở ra, cha con Adriaan và Maria Julia ngồi trên giường thổi nến, ăn bánh.
Tôi đã thấy không khí Giáng sinh ùa về.