Xây dựng một nền văn hóa đọc phát triển là mong muốn chung của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, làm cách nào để có thể tạo dựng được một xã hội mê đọc sách, có trình độ văn hóa trong việc lựa chọn, thưởng thức, cảm nhận và áp dụng những điều tốt đẹp mà sách mang lại là điều không đơn giản.
- Nhìn nhận giá trị thật của sách
Sách là một loại hàng hóa chịu các quy luật cung cầu của thị trường, điều này đã được chứng minh từ lâu ở các doanh nghiệp kinh doanh sách dù quốc doanh hay tư nhân. Nhưng thực chất, trước đây, với nhà quản lý, sách luôn được cất trong một tháp ngà của các quan điểm cao quý như khả năng giáo dục, tuyên truyền… Điều đó không sai, nhưng đó là khi xem xét yếu tố nội dung của sách. Còn khi xuất bản và bán ra thị trường thì sách cũng y như mọi mặt hàng khác, cũng cần có sự quan tâm về quảng cáo, hình thức thẩm mỹ, nhu cầu thị trường… Việc xem sách là một loại hàng hóa đã tạo một cái nhìn phóng khoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sách trở lại đúng vị trí thực của mình.
Hiện nay, việc nhìn nhận giá trị thật của sách đã tiến thêm một bước nữa với việc đánh giá đúng vai trò của yếu tố giải trí đối với sách. Cũng y như trường hợp trên, tính giải trí một thời gian dài bị xem nhẹ so với các tính chất giáo dục, nâng cao tri thức… Nay, tính năng giải trí đã được nhấn mạnh như là một trong những tính năng cơ bản nhất của văn học nghệ thuật, trong đó có sách.
Việc chính thức nhìn nhận những thuộc tính trên của sách mang ý nghĩa hình thức hơn là thực tế. Nhưng ít nhất, nó đã hoàn toàn đặt sách vào đúng vị trí của nó với các giá trị thật sự, tạo một cột trụ cơ bản để xây dựng nền văn hóa đọc phát triển.
- Lý luận phê bình - “Được yêu mà sợ”
Nhìn nhận việc phát triển văn hóa đọc dưới bất cứ một góc độ nào thì lý luận phê bình cũng là nền tảng không thể thiếu. Muốn có nền văn hóa đọc thì đầu tiên là phải đọc nhiều nhưng nếu chỉ đọc nhiều mà không có sự lựa chọn, cảm thụ đúng đắn thì việc tiếp nhận, tiêm nhiễm các tư tưởng lệch lạc, tiêu cực, sai lầm là không thể tránh khỏi. Lý luận phê bình là cột trụ để định hướng văn hóa đọc phát triển đóng góp lợi ích cho xã hội.
Chính vì thế, kể từ khi kêu gọi xây dựng nền văn hóa đọc phát triển, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lý luận phê bình đã được chú trọng, quan tâm. Thế nhưng, như nhận xét của Giáo sư Đinh Xuân Dũng, Ủy viên thường vụ Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương thì lý luận phê bình “được yêu mà sợ”. Sợ đây chính là sợ không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Đội ngũ lý luận phê bình còn hạn chế về nhân lực lẫn trình độ, chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thời đại. Việc xây dựng đội ngũ kế thừa đã bị đứt gãy. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến việc xây dựng nền văn hóa đọc tiên tiến không chỉ ở việc ngăn chặn tác phẩm xấu mà cả ở việc khuyến khích tác phẩm ưu tú như trường hợp của nhà văn nổi bật hiện nay: Nguyễn Nhật Ánh.
Được đánh giá là một trường hợp cá biệt của văn học Việt Nam thời mở cửa, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phá vỡ mọi quan điểm về thị trường văn học trong nước. Giữa lúc người ta than thở sách văn học trong nước bán được rất ít thì sách của Nguyễn Nhật Ánh hầu như liên tục đứng đầu về doanh số bán bỏ xa các sách văn học dịch nổi tiếng thế giới. Khi mọi người than sách bán chạy toàn là loại sách ít giá trị văn học thì sách Nguyễn Nhật Ánh đoạt hết giải thưởng văn học này đến giải thưởng văn học khác. Lúc các nhà văn than bạn đọc ngày nay thay đổi khác xưa khiến tư duy nhà văn theo không kịp thì những sáng tác cách nay 30 năm của Nguyễn Nhật Ánh giờ vẫn ăn khách.
Đáng tiếc, hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh đến nay vẫn là cá biệt, thi thoảng có nhà văn cũng thoáng nổi lên nhưng sau đó lại bặt tăm.
- Văn hóa đọc với sách điện tử
Những ngày cuối năm 2010, văn hóa đọc đứng trước sự lo lắng giá sách tăng cao. Điều đó sẽ khiến người đọc ít đi. Và cũng từ giữa năm 2010, thị trường sản phẩm điện tử thế giới, và sau đó là trong nước, bất ngờ nổ ra một cơn sốt lùng mua một thiết bị điện tử có tên là Kindle 3 do trang web bán sách trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon.com phát triển.
Hiện tại, sách điện tử trong nước hầu hết ở dạng miễn phí nhưng với sự xuất hiện của Kindle 3, tương lai xuất bản, phát hành sách điện tử là điều không thể tránh khỏi. Việc phát triển sách điện tử giải quyết được bài toán về giá thành sách, tạo nên một thị trường sách vô cùng năng động từ khâu sáng tác đến phát hành. Thế nhưng song song đó lại tiếp tục đặt ra những thử thách nặng nề về việc phát triển văn hóa đọc trong điều kiện mới cho các nhà quản lý, lý luận, kinh doanh…
Thực tế, việc xây dựng một nền văn hóa đọc tiên tiến nhất là trong tình hình phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội hiện nay cần đòi hỏi sự nỗ lực từ mọi cấp, mọi cá nhân và cần lắm một sự phát triển mạnh mẽ của công tác lý luận phê bình trong giai đoạn mới
TƯỜNG VY