Kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Bài 4: Đảm bảo kiểm soát quyền lực tốt hơn trong thời gian tới

Trong thời gian thực hiện loạt bài này, các phóng viên đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Đồng chí TRƯƠNG THỊ MAI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Thực hiện công tác cán bộ chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc của Đảng

Ban Tổ chức Trung ương đang sơ kết đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Sau đó, tiếp tục trình Bộ Chính trị để xem xét sửa đổi nhằm đảm bảo kiểm soát quyền lực tốt hơn trong thời gian tới.

Về các văn bản liên quan đến công tác cán bộ, từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm này đã có 9 văn bản liên quan. Trong đó có nhiều văn bản đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, qua đó khắc phục được những hạn chế. Đến năm 2023-2024, chúng ta sẽ có một hệ thống văn bản quy định liên quan đến công tác cán bộ khép kín, từ đánh giá cho đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức, sắp xếp, bố trí cán bộ… Qua đó tạo điều kiện cho các cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nước thực hiện công tác cán bộ một cách chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc của Đảng hơn.

Đồng chí NGUYỄN THÁI HỌC, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương: Nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có mối liên hệ chặt chẽ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới, vừa xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, vừa tác động tích cực đến Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị; tạo tiền đề, cơ sở để kiểm soát hiệu quả quyền lực, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Ngược lại, tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhân tố thúc đẩy đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: phải tăng cường kiểm soát quyền lực, phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng thể chế; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ lâu dài, không ngừng, không nghỉ và trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không thể tách rời nhiệm vụ kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, mà phải gắn kết chặt chẽ với nhau, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Không thể buông lỏng quản lý

Trong đại án liên quan Công ty Việt Á và vụ việc tiêu cực đưa người dân hồi hương trong đợt dịch Covid-19 ở Bộ Ngoại giao cùng nhiều cơ quan, địa phương thời gian qua; theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân cực kỳ quan trọng đó là sự buông lỏng quản lý. Nói cách khác đó là kiểm soát quyền lực không tốt để một số đối tượng, đơn vị thao túng cả vào bộ máy lãnh đạo của các địa phương, bộ ngành. Vì thế muốn kiểm soát quyền lực thì phải bắt đầu từ quản lý các bộ ngành. Cái gì tốt, xấu thì cấp trên, cấp quản lý phải nắm rất rõ; các cấp quản lý cần phải nắm vững từng cán bộ của mình, biết được họ làm thế nào, họ làm tốt hay chưa tốt. Đồng thời, về phía cán bộ phải tu dưỡng cho tốt, tự kiểm soát mình cho tốt, phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa kỷ luật của Đảng với pháp luật của Nhà nước và giám sát của nhân dân. Bởi, rất nhiều cán bộ hư hỏng, vi phạm là do nhân dân phát hiện, sau đó báo chí nêu ra, rồi các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.

Ông PHẠM THẾ DUYỆT, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Giám sát và phát huy dân chủ trong Đảng

Nguyên tắc “tập trung dân chủ” của Đảng hiện có nơi, có cấp thực hiện chưa đúng, nghiêng nặng về vế “tập trung” mà chưa làm tốt vế “dân chủ”, tức là tập trung quyền lực cho một vài cá nhân mà không phát huy dân chủ tập thể. Điều đó dẫn đến việc không kiểm soát được quyền lực cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, có tiếng nói quyết định. Cán bộ đó muốn làm gì cũng được; mọi người, đảng viên cấp dưới phải nghe theo, làm theo. Khi sai phạm xảy ra, bị xử lý rồi; xem lại quy trình thì sai hết cả, vi phạm tất cả các quy định của Đảng và pháp luật nhà nước. “Tập trung dân chủ” là để phát huy vai trò tập thể, thể hiện sự dân chủ trong Đảng, cũng như bộ máy nhà nước, ở tất cả các cấp.

Người dân phấn khởi, tin tưởng những việc mà Đảng đã làm trong thời gian qua, nhất là công tác chống tham nhũng, tiêu cực; song nói để người dân thực sự yên tâm thì chưa được, nhất là trong thực tế vẫn còn những cán bộ, đảng viên “ham chức, ham quyền”. Vì vậy, Đảng cần lắng nghe dân để thực sự chọn được những người có đức, có tài. Việc đó phải làm một cách chân thành, thẳng thắn, công khai, minh bạch thì mới có hiệu quả và mang lại chuyển biến lớn, nhất là với cấp cán bộ chiến lược. Đảng cũng phải dựa vào dân để thực hiện công tác đánh giá cán bộ của mình. Người dân biết hết mọi chuyện, biết rõ cán bộ đó xấu hay tốt. Vấn đề là cần có cơ chế để người dân nói ra, góp ý và Đảng tiếp thu một cách chân thành, cầu thị.

Ông NGÔ VĂN NAM, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang: Làm tốt công tác phê bình và tự phê bình ở chi bộ

Với cấp cơ sở, công tác kiểm soát quyền lực quan trọng nhất là ở khâu lựa chọn và đánh giá cán bộ. Quá trình đó nếu được thực hiện công khai, minh bạch, bài bản thì chúng ta sẽ có được cán bộ tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, được nhân dân ủng hộ. Đánh giá cán bộ bao gồm cả phê bình và tự phê bình. Khi một cán bộ tự phê bình, tự nhận ra những hạn chế, khuyết điểm của mình, họ sẽ có hướng phấn đấu, động lực sửa sai. Điều đó giúp cán bộ ấy tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không bị tha hóa quyền lực, không vi phạm những quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Công tác phê bình, góp ý cũng vậy, rất quan trọng ở cấp chi bộ. Nếu công tác phê bình, góp ý trong chi bộ được thực hiện tốt, đầy đủ, khách quan; chắc chắn quyền lực cán bộ sẽ bị giám sát và sẽ hạn chế cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật.

Tin cùng chuyên mục