Kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Bài 1: Từ nhận thức đến hành động

Công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Nhưng đi kèm đó là hàng loạt vụ việc với rất nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm bị xử lý; kể cả những cán bộ cấp cao, tướng lĩnh quân đội, công an. Phải chăng khi cán bộ chức vụ càng cao, càng có “nhiều quyền lực” thì càng dễ sai phạm?

LTS: Nghị quyết 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” nhấn mạnh nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Yêu cầu đặt ra là tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện đồng bộ với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực hiện nay.

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa trong vụ án tạo điều kiện cho Nhật Cường trúng gói thầu số hóa tại Hà Nội. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hầu tòa trong vụ án tạo điều kiện cho Nhật Cường trúng gói thầu số hóa tại Hà Nội. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Quyền lực chính trị và niềm tin của nhân dân

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) đều khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ… Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”. Theo Tổng Bí thư, nhân dân đã tin tưởng ủy quyền, trao quyền lực chính trị cho Đảng, cán bộ, công chức nhà nước trở thành công bộc của nhân dân. Vì thế, cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được đưa ra trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, một trong 10 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.

Trước Đại hội XIII, Quy định số 205-QĐ/TW (ngày 23-9-2019) của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” là một dấu mốc quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XII; thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, đây là lần đầu tiên Đảng xác định công tác cán bộ có thể hình thành nên một loại quyền lực cần được kiểm soát, và cũng là lần đầu tiên các hành vi “chạy chức, chạy quyền” gắn liền với công tác cán bộ được Đảng chỉ rõ trong một quy định của Bộ Chính trị. Thẩm quyền của người đứng đầu chủ yếu là chỉ đạo, điều hành các thủ tục, quy trình công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, vận hành theo đúng nguyên tắc của Đảng; người đứng đầu không có quyền quyết định tuyệt đối về nhân sự, vì đó là thẩm quyền của tập thể.

Bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai (bìa trái) hầu tòa trong vụ án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai liên quan Công ty AIC. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai (bìa trái) hầu tòa trong vụ án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai liên quan Công ty AIC. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Kiểm tra, giám sát và phải dựa vào dân

Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhìn nhận: “Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; còn để xảy ra tình trạng cục bộ, mất đoàn kết, bao biện, làm thay, áp đặt, lạm dụng quyền lực, né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo”.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), công tác kiểm soát quyền lực đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII. Nghị quyết 28 của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Đảng tiếp tục nhấn mạnh công tác đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề rất quan trọng. Trong phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác cán bộ và công tác kiểm tra giám sát. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, trong phương thức lãnh đạo của Đảng, phải thường xuyên giám sát kiểm tra việc thực thi đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thông qua kiểm tra, giám sát để giám sát quyền lực. Trong kiểm soát quyền lực thì có kiểm soát cá nhân những người nắm quyền lực, đặc biệt là những người đứng đầu các tổ chức đảng, các tổ chức chính quyền hoặc đối tượng phải giám sát, không để họ vượt qua các giới hạn quyền lực cho phép. Đồng thời, kiểm soát cả các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, các cơ quan thực thi quyền lực xem có thực thi đúng chức năng nhiệm vụ không.

“Mỗi cá nhân cũng phải kiểm soát quyền lực của bản thân mình. Phải đề ra những tiêu chí để những người nắm chức vụ quyền hạn biết dừng đến đâu, tự tu dưỡng rèn luyện, nếu không đảm đương được nhiệm vụ thì không được tham quyền cố vị, có thể xin điều chỉnh, chuyển công tác cho phù hợp. Hơn nữa, nên khai thác đẩy mạnh văn hóa từ chức, tự kiểm soát quyền lực của chính mình”, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Ông Phạm Thế Duyệt (nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, với vấn đề kiểm soát quyền lực hiện nay, chung quy lại là ở công tác lựa chọn và đánh giá cán bộ. Qua hàng loạt vụ án, vụ việc liên quan tới nhiều cán bộ cấp cao thời gian qua, cần phải xem lại công tác quy hoạch, đánh giá, lựa chọn cán bộ. Bởi những cán bộ sai phạm, tha hóa quyền lực, không phải “bỗng nhiên vừa sinh ra”, mà đã có quá trình vi phạm kéo dài.

Theo ông Phạm Thế Duyệt, để kiểm soát quyền lực, Đảng phải dựa vào dân như lời Bác Hồ đã từng nói “Dân là gốc”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Quần chúng nhân dân có vai trò rất quan trọng đối với việc kiểm tra giám sát dân chủ đối với đảng viên, cũng như đối với công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít người dân, cán bộ, đảng viên ở trong công đoàn, mặt trận... có suy nghĩ, ý kiến với Đảng trên tinh thần đóng góp, xây dựng, nhưng do gặp “cơ chế ràng buộc” đã không dám nói ra chính kiến, hoặc nói ra, góp ý, nhưng không được giải quyết.

Kiểm soát quyền lực có thể hiểu ngắn gọn là hệ thống những cơ chế, hoạt động kiểm tra, đánh giá, phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những hành vi vượt quá giới hạn được ủy quyền của các chủ thể nắm quyền lực nhằm bảo đảm cho việc thực thi quyền lực đúng quy định, đúng mục đích, đúng quyền hạn và có hiệu quả. Thực tế cho thấy, mọi sự lũng đoạn, tha hóa quyền lực đều là tham nhũng dưới các thủ đoạn, hình thức khác nhau, từ tham nhũng kinh tế tới chính sách. Đó là những người lợi dụng “khe hở” pháp luật, việc thiếu công khai, minh bạch của cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để trục lợi; bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến đầu tháng 12-2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt là tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa qua, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương mới của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Tin cùng chuyên mục