Kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Bài 2: Tập trung kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ ở cơ sở

Qua giám sát hoạt động lãnh đạo của ban cán sự đảng UBND một số địa phương, mới phát hiện ra nhiều dấu hiệu sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước.

Thực tế trong nhiều vụ việc sai phạm bị phát hiện, xử lý vừa qua ở một số địa phương như Bình Dương, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Bình… đều do Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương thực hiện chức năng giám sát, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Qua giám sát hoạt động lãnh đạo của ban cán sự đảng UBND một số địa phương, mới phát hiện ra nhiều dấu hiệu sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước. Phải làm gì để tổ chức đảng cơ sở thực sự vững mạnh, qua đó góp phần kiểm soát quyền lực cán bộ, không để xảy ra những vụ việc, sai phạm tương tự?

Buông lỏng lãnh đạo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

Đó là một phần nội dung trong kết luận của UBKT Trung ương khi tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021 và đồng chí Võ Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân tham mưu, báo cáo không trung thực với cơ quan cấp trên; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong quản lý, điều hành thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trong dự án sân golf Đăk Đoa, UBND tỉnh đã báo cáo không trung thực với cơ quan cấp trên về đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác không đúng quy hoạch. UBND tỉnh đã chia nhỏ dự án khu biệt thự nhà ở thành 3 dự án độc lập để thuộc thẩm quyền của tỉnh chấp thuận đầu tư và chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Các thủ tục về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf, bán đấu giá tài sản trên đất (rừng thông) và chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất, lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án thuộc Khu phức hợp Đăk Đoa… đều có những sai phạm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho Tập đoàn FLC chiếm đoạt tài sản của nhà nước và hàng trăm nhà đầu tư tham gia dự án với giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Gia Lai Phan Quang Thái, các vụ việc sai phạm nhiều năm qua, đặc biệt là tại dự án sân golf Đăk Đoa đã có dư luận phản ánh từ lâu mà UBKT Tỉnh ủy không có cơ sở và cũng không thể nắm được đúng sai thế nào để đề xuất kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Nếu có biết sai phạm cũng không thể đề xuất được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm tra, vì đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Bí thư Tỉnh ủy. Dù có thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, nhưng nhiều nhiệm kỳ qua, UBKT Tỉnh ủy chưa lần nào có kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với Ban Cán sự Đảng và trực tiếp đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh. Trong 2 nhiệm kỳ qua, có 3 lần UBKT Trung ương về giám sát, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thì cả 3 lần phát hiện, xử lý hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh, trong đó có chủ tịch và 3 phó chủ tịch đều bị thi hành kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức vụ.

“Qua vụ việc sai phạm nghiêm trọng này, Thường trực Tỉnh ủy đã có chỉ đạo tăng cường theo dõi, nắm chắc hơn hoạt động lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng UBND và các cấp ủy Đảng trực thuộc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót”, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Gia Lai cho biết.

Bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, hầu tòa trong vụ án sai phạm về quản lý đất đai ở Bình Dương. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, hầu tòa trong vụ án sai phạm về quản lý đất đai ở Bình Dương. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Thêm một bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ

Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, Bắc Giang đề ra mục tiêu trọng tâm là củng cố, tăng cường hệ thống chính trị cơ sở và phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và đảng viên cơ sở; đồng thời thực hiện nghiêm công tác giám sát, kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy và chi bộ. Qua đó, góp phần cảnh báo, phòng ngừa vi phạm từ xa; đồng thời giúp các tổ chức đảng, đảng viên khắc phục nhiều mặt hạn chế, khuyết điểm.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 64-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW (ngày 16-6-2022) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Trưởng phòng Tổ chức Đảng và Đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang), Kế hoạch số 64 của địa phương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của việc củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Qua đó, nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Làm rõ hơn về công tác đánh giá, xếp loại đảng viên, ông Ngô Văn Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang, cho biết, ngoài việc kiểm điểm, đánh giá đảng viên, lãnh đạo hàng năm thì Bắc Giang còn tổ chức thực hiện kiểm điểm, đánh giá 6 tháng/lần. Nội dung kiểm điểm, đánh giá tập trung vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, cũng như kết quả khắc phục những hạn chế, yếu kém đã chỉ ra trong lần kiểm điểm trước đó. Tại địa phương cũng thực hiện việc đánh giá đa chiều đối với cán bộ lãnh đạo, đảng viên bằng hình thức phát phiếu đánh giá, nhận xét lãnh đạo tới tất cả các đảng viên, cán bộ, viên chức trong đơn vị theo những tiêu chí cụ thể.

Để tăng cường công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Bắc Giang đặc biệt coi trọng việc xây dựng các quy định, quy chế về tiêu chuẩn bổ nhiệm, phân công, phân nhiệm cho cán bộ lãnh đạo. Theo quy định của Trung ương, quy trình bổ nhiệm chức danh cán bộ lãnh đạo gồm 5 bước. Nhưng tại Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thêm một bước nữa. Đó là, trước khi thực hiện quy trình 5 năm bước, Ban tổ chức phải tiến hành khảo sát nguồn nhân sự, phỏng vấn trực tiếp đối tượng là nguồn bổ nhiệm. Hơn nữa, sau khi thực hiện xong quy trình 5 bước bổ nhiệm cán bộ theo quy định của Trung ương, Bắc Giang còn tổ chức lấy phiếu kín của lãnh đạo cấp dưới và các đơn vị liên quan đối với cá nhân dự kiến được bổ nhiệm. “Việc thêm một bước cũng như tiến hành lấy phiếu kín, cùng quy trình 5 bước do Trung ương quy định, đã giúp Bắc Giang chọn lựa đúng cán bộ. Điều đó không chỉ giúp công tác kiểm soát quyền lực cán bộ tốt hơn, mà còn tạo động lực để các cán bộ đó phấn đấu, gương mẫu”, ông Ngô Văn Nam cho biết.

PGS-TS Nguyễn Văn Giang (Hội đồng Lý luận Trung ương): Thực tế các vụ việc sai phạm của cán bộ lãnh đạo ở nhiều địa phương vừa qua cho thấy, do thiếu thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở nên đã không nhận diện được nguy cơ, dẫn đến mắc phải sai lầm, khuyết điểm.

Đơn cử như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đã vi phạm từ nhiệm kỳ trước nhưng không phát hiện được, vừa qua đã bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý pháp luật. Từ sai phạm nhỏ đã không được chấn chỉnh ngay từ đầu, cuối cùng hậu quả để lại rất lớn. Những vụ sai phạm ở các bộ ngành, địa phương vừa qua cho thấy, phương thức lãnh đạo của Đảng phải chú ý đến tính công khai và tạo điều kiện bảo vệ cho cán bộ. Muốn thế, chúng ta phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, nhắc nhở từ sớm đối với cán bộ.

Sắp tới, trong công tác cán bộ phải có quy định về cơ chế cụ thể, nhất là trong cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Vừa rồi, Trung ương có một số quy định mới, các đồng chí đứng đầu cấp ủy không được đưa ra ngay từ đầu các đề xuất, phương án của cá nhân mình trong các cuộc họp của ban thường vụ, mà phải để ban thường vụ đưa ra bàn trước đã. Người đứng đầu cấp ủy đã đưa ra phương án của mình thì không ai dám ý kiến gì hết được nữa. Hay như quy định là đồng chí bí thư đứng đầu cấp ủy không được phép ký vào các dự án kinh tế...

Cần có quy định rõ hơn việc UBKT cấp trên kiểm tra cơ quan lãnh đạo cấp dưới trực tiếp, không đợi đến dư luận hay có tố cáo, phản ánh mới kiểm tra. Nên có kế hoạch định kỳ 6 tháng hay 1 năm UBKT Trung ương về kiểm tra hoạt động lãnh đạo của các tỉnh, thành; rồi UBKT các tỉnh, thành cũng thường xuyên kiểm tra hoạt động lãnh đạo của các quận, huyện ủy. Như thế, có cái gì sai, không đúng là nhắc nhở ngay, giúp cho cán bộ tự bảo vệ mình, dừng lại khi đã có những sai phạm.

Tin cùng chuyên mục