Động thái tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa qua được coi là phù hợp với thực tế khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ. Dù vậy, việc điều chỉnh này đã tạo ra không ít khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài số ít nhóm ngành xuất khẩu được hưởng lợi, nhiều nhóm doanh nghiệp phụ thuộc nhập khẩu hoặc có khoản vay nợ ngoại tệ lớn đều chịu nhiều ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), khi đồng USD tăng giá, các ngành điện, vận tải biển, xi măng đều có dư nợ bằng ngoại tệ lớn. Do đó, việc VND bị mất giá có thể làm giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá của các ngành này. Đối với ngành dược, 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, trong khi thuốc thành phẩm chủ yếu lại tiêu thụ trong nước nên việc tăng tỷ giá liền gây ảnh hưởng tiêu cực.
Tương tự, ngành nhựa có đến 80% nguyên liệu là hạt nhựa phải nhập khẩu, tỷ trọng tiêu thụ thành phẩm trong nước lớn nên cũng cùng cảnh ngộ. Riêng ngành sản xuất vỏ xe, ruột xe, ngoài cao su tự nhiên, hầu hết nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu với tỷ trọng chiếm 66% chi phí sản xuất kinh doanh.
“Thực tế, hành động tăng tỷ giá lần này mang tính kịp thời, hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức điều chỉnh vừa qua chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Bởi xuất khẩu trong hai quý đầu năm có dấu hiệu giảm, các nước xung quanh đã có động thái như giảm lãi vay ngắn hạn hoặc điều chỉnh tỷ giá, để thúc đẩy xuất khẩu. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu trong nước. Vì vậy, chúng ta cũng cần có những điều chỉnh, không đến mức tương thích nhưng phải mang tính hỗ trợ doanh nghiệp”, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu Thành Đạt - Trần Hoàng Nhung - chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù những năm gần đây ngành thép phát triển rất nhanh nhưng cũng phải nhập một lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc. Số lượng nhập khẩu từ thị trường này chiếm đến trên 50%, tương đương khoảng 9 tỷ USD. Do vậy, với việc điều chỉnh tỷ giá lần này, các sản phẩm thép trong nước sẽ phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt với thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Dù được đánh giá là ngành được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá nhưng các doanh nghiệp dệt may lại cho rằng sẽ khó cạnh tranh hơn. Bởi ngành dệt may Việt Nam chủ yếu vẫn nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu bông từ nước ngoài. Vì vậy, tăng tỷ giá sẽ khiến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành. Trong khi ở đầu ra, Trung Quốc là thị trường chính nhập khẩu của Việt Nam. Khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến mặt hàng xuất khẩu bị rớt giá bởi đối tác nhập ép giá, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải hạ giá thành.
Từ thực tế trên cho thấy, nếu Ngân hàng Nhà nước, liên Bộ Công thương - Tài chính không kiểm soát cẩn thận thì chi phí đầu vào sẽ đội lên do tâm lý “té nước theo mưa”, giá nguyên liệu, hàng hóa, chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao, dẫn đến khó khăn thêm cho doanh nghiệp. Do đó, trước mắt để hạn chế những tác động tiêu cực, các doanh nghiệp cần rà soát tinh giảm các chi phí đầu vào, đồng thời chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Một trong những lo ngại của các nhà đầu tư vào Việt Nam là vấn đề tỷ giá. Sự biến động của tỷ giá ít nhiều ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của họ. Chính vì thế, cần thận trọng trong điều hành tỷ giá”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích.
LẠC PHONG