Kiên Giang: Gần 80% cơ sở nuôi tôm nước lợ được cấp mã số nhận diện

Hầu hết các thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam như: Mỹ, Nhật, EU, Úc và gần đây là Trung Quốc đều yêu cầu có mã số nhận diện để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến áp dụng kỹ thuật hiện đại, số hóa 100% tại huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Ảnh: QUỐC BÌNH

Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến áp dụng kỹ thuật hiện đại, số hóa 100% tại huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Ảnh: QUỐC BÌNH

Ngày 14-6, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh hiện có hơn 42.900 cơ sở nuôi tôm nước lợ, với 3 loại hình chính là nuôi tôm công nghiệp, quảng canh - quảng canh cải tiến và luân canh tôm – lúa.

Trong đó, trên 34.650 cơ sở thuộc diện phải đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đến nay, đã có hơn 27.560 cơ sở nuôi tôm trên địa bàn được cấp xác nhận mã số này, đạt tỷ lệ 79,5%, từ nay tới cuối năm cố gắng đạt 100%.

Hiện nay, nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển tại 2 vùng sinh thái trọng điểm là vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng với 2 mô hình tách biệt là nuôi công nghiệp 100% và nuôi tôm trên ruộng lúa, ao tự nhiên. Trong cơ cấu nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang, nuôi tôm nước lợ chiếm hơn 47% về diện tích và khoảng 33,5% về sản lượng.

Việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu, tăng giá trị kinh tế ngành hàng tôm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm.

Năm nay, Kiên Giang đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng tôm khoảng 116.000 tấn trở lên, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 890 triệu USD, tăng khoảng 7% so với năm trước.

Tin cùng chuyên mục