Năm 2023, xuất khẩu tôm đối diện nhiều khó khăn

Xuất khẩu tôm năm 2023 đặt mục tiêu đạt khoảng 4,3 - 4,5 tỷ USD, trong bối cảnh tình hình xuất khẩu được dự báo nhiều khó khăn, thách thức.
Xuất khẩu tôm năm 2023 đặt mục tiêu đạt từ 4,3 đến 4,5 tỷ USD

Xuất khẩu tôm năm 2023 đặt mục tiêu đạt từ 4,3 đến 4,5 tỷ USD

Ngày 3-3, tại Sóc Trăng, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Phát triển ngành tôm năm 2023”. Tham dự hội nghị có lãnh đạo bộ, ngành nông nghiệp các tỉnh thành ven biển cả nước, các hiệp hội và doanh nghiệp.

Năm 2022, cả nước có diện tích thả tôm nước lợ đạt 747.000 ha, sản lượng tôm các loại đạt hơn 1,08 triệu tấn (tăng 8,5% so với năm 2021). Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2022, con tôm đã mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD (chiếm gần 40% giá trị xuất khẩu thủy sản và tăng 11,2% so với năm 2021).

Hiện con tôm nước ta được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó có 5 thị trường lớn, gồm: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu diện tích thả nuôi 750.000 ha, sản lượng gần 1,1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu tôm trên 4,3 đến 4,5 tỷ USD.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Theo dự báo, ngành tôm năm 2023 tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn, khả năng nhu cầu thị trường chỉ phục hồi bắt đầu từ quý II, thế nhưng xu hướng giá sẽ thấp hơn năm 2022. Cụ thể, giá tôm trên thế giới giảm dần từ giữa năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung tăng lên khoảng 6 triệu tấn.

“Ngành tôm nước ta cũng đang phải đối diện với thách thức cạnh tranh mạnh hơn từ các nước bạn như: Ecuador và Ấn Độ. Năm 2023, dự kiến Ecuador sẽ có sản lượng 1,5 triệu tấn tôm thẻ chân trắng, con số này cao gấp hơn 2 lần sản lượng của Việt Nam là 700.000 tấn. Đây là yếu tố giúp lợi thế nghiêng về phía Ecuador khi có nguồn cung dồi dào, chưa kể nước bạn có lợi thế về vị trí địa lý, chi phí sản xuất thấp… Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng, dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu tôm càng thêm khó khăn”, ông Trương Đình Hoè cho biết thêm.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội nghị

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội nghị

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh đạt hơn 1,4 tỷ USD, trong đó con tôm nước lợ đóng góp gần 1 tỷ USD (tương đương hơn 20% giá trị xuất khẩu tôm cả nước). Tuy nhiên, hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và những tác động tiêu cực khác của biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành thuỷ sản.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn chịu ảnh hưởng bởi những tác động khác như: khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá xăng dầu tăng, giá vật tư đầu vào cũng tăng cao, chất lượng con tôm giống chưa đảm bảo, dịch bệnh trên tôm có dấu hiệu tăng trở lại… Do đó, dự báo năm 2023, người nuôi tôm và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Tin cùng chuyên mục