(SGGP). – Chiều 18-3, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức Hội thảo lần 2 Góp ý dự thảo Luật KH-CN sửa đổi. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, dự thảo tuy có nhiều cải tiến, song vẫn còn khá nhiều bất cập.
Cụ thể, Chương 6, từ điều 52 đến điều 57 quy định thể hiện rõ quan điểm tài chính của Nhà nước chỉ phục vụ cho hoạt động KH-CN do cơ quan Nhà nước thực hiện chứ không phục vụ nền KH-CN chung. Điều 60 quy định doanh nghiệp phải trích tỷ lệ lợi nhuận tính thuế lập Quỹ phát triển KH-CN. Đây là khâu đột phá nhằm xã hội hóa hoạt động xã hội nhưng chính vì quy định không rõ ràng (khoản 1, 2) dẫn đến có sự bất công giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Từ đó, nguồn quỹ dễ bị sử dụng sai mục đích hoặc không mang lại hiệu quả.
Riêng cơ chế sở hữu sản phẩm khoa học (Mục 5, Chương 4), các viện, trường kiến nghị cần giao cho các chủ nhiệm đề tài thay vì đơn vị cấp kinh phí như hiện nay. Nhà nước chỉ nên quy định nhà khoa học chia lợi nhuận sau chuyển giao hoặc tính phần trăm kinh phí đầu tư vào tổng kinh phí thu được. Khi đó, các kết quả nghiên cứu nhanh đi vào thực tiễn cuộc sống hơn.
Nhiều đại biểu mong muốn, Luật KH-CN mới cần có những quy định về chính sách, mức hỗ trợ cụ thể. Với những điều khoản trùng lắp với các bộ luật khác nên xem xét loại bỏ. Đặc biệt, kiến nghị thành lập ngân hàng đầu tư cho KH-CN. Khi đó, Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân đều có thể góp vốn đầu tư, kinh doanh và thu lời từ các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
T. HÂN