Theo đó, bộ này đề xuất bổ sung xử phạt đối với hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi; chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố.
Cụ thể, đề xuất phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thủy lợi; chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm về vận hành công trình thủy lợi, bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, vi phạm quy định của giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi… với mức phạt lên tới 100 triệu đồng. Theo Bộ NN-PTNT, Nghị định 104/2017 đã tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao ý thức của người dân; phòng ngừa, đấu tranh đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, ngày 19-6-2017, Luật Thủy lợi được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2018. Để phù hợp với Luật Thủy lợi và các văn bản quy định chi tiết, đòi hỏi phải tiến hành rà soát, cập nhật để sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi, quy định tại Chương III của Nghị định số 104/2017, để bảo đảm sự thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.