(SGGP). – Thủ tướng vừa ký Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TCTNN). Theo đó, Chính phủ chỉ rõ 8 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và đất đai tại các tập đoàn, TCTNN; về đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Thứ hai, rà soát, phân tích, đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của mô hình tập đoàn kinh tế, TCTNN. Kiên quyết sắp xếp các TCTNN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi; đồng thời, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc để TCT thua lỗ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, xác định ngành, lĩnh vực cần thiết có tập đoàn kinh tế hoặc TCTNN trong 5 năm, 10 năm tới; trong đó, ngành, lĩnh vực nào Nhà nước giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối ở công ty mẹ.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Thứ năm, rà soát lại ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức của các tập đoàn, TCT để điều chỉnh bảo đảm các tập đoàn, TCT kinh doanh đa ngành nhưng phải tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính.
Thứ sáu, quy định cụ thể chế độ báo cáo và công khai minh bạch kết quả hoạt động bao gồm cả phân phối lợi nhuận của các tập đoàn, TCTNN trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng để làm cơ sở kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, giám sát. Quy định rõ tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự quản lý các tập đoàn, TCT; quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích; chế tài xử lý vi phạm; cơ chế thưởng, phạt cụ thể.
Thứ bảy, nghiên cứu, xây dựng cơ chế đổi mới quản lý tiền lương, tiền thưởng trong tập đoàn, TCT, tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Thứ tám, đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ với cơ quan quản lý vốn, cơ quan quản lý nhà nước, xác định cơ quan đầu mối quản lý về nhân sự đối với đội ngũ cán bộ này.
* “Kiểm tra các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng số thuế nộp không tương xứng” - Đó là nội dung chỉ đạo của UBND TPHCM đối với Cục Thuế TPHCM và UBND các quận, huyện về giải pháp quản lý điều hành nguồn thu năm 2010. Ngoài ra, UBND TP chỉ đạo Cục Thuế TP cần phải đổi mới các giải pháp, biện pháp trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thu, rà soát thuế nợ đọng, đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ. Đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp khai lỗ từ 2 năm trở lên, các chi nhánh, đơn vị nhiều năm chưa thanh tra, các đơn vị có quyết định hoàn thuế nhưng chưa kiểm tra sau hoàn; các nhà hàng ăn uống, giải trí, quán bar. Cục Thuế phải tập trung mọi nguồn lực kiểm tra tình hình kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn không kịp thời để xử lý thật nghiêm theo pháp luật.
Lâm Nguyên - Hàn Ni