“Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước”, Thủ tướng khẳng định.
Đã 113 ngày trôi qua kể từ khi tàu thăm dò Hải dương Địa chất Bá Hào 8 của Trung Quốc cùng đoàn tàu hộ tống bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Quan sát đường di chuyển của tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc, nhiều chuyên gia khẳng định, Trung Quốc vẫn với âm mưu cũ, đó là độc chiếm biển Đông, bất chấp pháp luật quốc tế. Tuy âm mưu cũ, nhưng thủ đoạn thì vô cùng phức tạp, khó lường.
Mặc dù tình hình khu vực bãi Tư Chính căng thẳng, nhưng Việt Nam với mong muốn hòa bình, luôn tranh thủ hòa bình đến cơ hội cuối, nếu vẫn còn cơ hội giải quyết bằng biện pháp hòa bình thì chúng ta vẫn luôn kiên trì thực hiện. Trên cơ sở đó, chúng ta đã có các hành động như: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã 8 lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam (ngày 19, 25, 28-7 và 8, 16, 22-8, 12-9, 3-10); trong các cuộc gặp với Thủ tướng Australia (23-8) và Thủ tướng Malaysia (27-8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề biển Đông; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (28-8) phát biểu nêu vấn đề tại Đại hội đồng AIPA 40 tại Bangkok; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nêu vấn đề tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52…
Dưới sự tích cực kêu gọi của Việt Nam, cộng đồng quốc tế ủng hộ với sự lên tiếng của các nước như Hoa Kỳ (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cố vấn An ninh, Ngoại trưởng, Chủ tịch Thượng viện…) tuyên bố cáo buộc Trung Quốc sử dụng các chính sách cưỡng ép Việt Nam và các nước ASEAN trên biển Đông; Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm leo thang căng thẳng tại biển Đông; Người Phát ngôn Cơ quan Đối ngoại châu Âu bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình biển Đông; Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định lợi ích của Ấn Độ tại biển Đông và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực; Thủ tướng Australia Scott Morrison gián tiếp lên án hành vi của Trung Quốc và kêu gọi tôn trọng chủ quyền đối với tất cả các quốc gia trong khu vực; Australia - Nhật - Mỹ ra Tuyên bố chung lên án hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông; Anh - Đức - Pháp ra Tuyên bố chung bày tỏ lo ngại sự xâm phạm của Trung Quốc tới vùng biển Việt Nam gây mất an ninh, ổn định khu vực.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường nêu: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Tại sao đã kiên quyết đấu tranh lại còn kiên trì, điều này có mâu thuẫn gì không? Thực tiễn lịch sử đã chứng minh các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta đều diễn ra hết sức quyết liệt, bởi kẻ thù luôn “mạnh về gạo bạo về tiền”, có tiềm lực kinh tế, quân sự khổng lồ hơn hẳn, nếu chúng ta thiếu ý chí kiên quyết đấu tranh, không trường kỳ kháng chiến thì không thể giành được thắng lợi.
Kiên quyết biểu thị ý chí, quyết tâm cao độ và thái độ không khoan nhượng trước âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc; kiên trì biểu thị sự bền bỉ, mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo trong xử lý, giải quyết vấn đề. Có thể nói, kiên quyết là tư tưởng chỉ đạo hành động cụ thể, còn kiên trì là phương châm, đối sách, sách lược, cách thức tiến hành đấu tranh nhằm đạt mục tiêu đã xác định; kiên trì hoàn toàn trái nghĩa với sự nóng vội, thỏa hiệp, nhân nhượng. Chủ trương đúng đắn, đường lối đối ngoại linh hoạt, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.