Dù đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng “ăn cắp” giờ công của cán bộ, công chức nhưng việc xử lý chưa dứt khoát nên tình trạng này vẫn xảy ra.
Buối sáng, dọc cung đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (TPHCM) lúc 8 giờ hay 9 giờ sáng vẫn có thể nhìn thấy các quán cà phê đông đúc người một cách kỳ lạ, dù lúc đó đáng lẽ ra những vị này đang ngồi ở cơ quan hay công ty. Một lần tôi đưa bạn đi khám bệnh ở Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp), tôi yêu cầu được gặp bác sĩ 3 lần nhưng không thấy. Đến lần thứ 4, bạn tôi mới được bác sĩ khám với thái độ bực bội. Hỏi ra mới biết là bác sĩ thường bận đánh cờ với đồng nghiệp nên không tiếp bệnh nhân được…
Ở nước ta, giờ hành chính là 8 giờ làm việc trong ngày. Nhưng việc công chức hay nhân viên cắt xén giờ hành chính để ngồi lê la ở các quán cà phê là không lạ. Có hay chăng có một lượng lớn người cùng làm việc ở ngoài vào giờ này và cùng một địa điểm. Hiện nay, khi đại bộ phận các công việc đã được máy móc hóa thì số giờ rảnh rỗi của các nhân viên ngày càng nhiều. Anh Nguyễn Hữu Phúc, một công chức làm việc ở quận 3 (TPHCM) cho biết: “Theo quy định, từ 7 giờ, cơ quan tôi bắt đầu làm việc nhưng may lắm chỉ khoảng 30% nhân viên có mặt. Các đồng nghiệp đã lập gia đình thường đưa con tới trường rồi mới đến cơ quan. Một số khác đến cơ quan đúng giờ, sau đó cất xe rồi ra quán ăn sáng, uống cà phê. Cứ thế, đầu giờ sáng đến trễ 40 phút, trưa về sớm 20 phút, đầu giờ chiều đến trễ 30 phút, cuối giờ chiều về sớm 30 phút. Quy định ngày làm việc 8 giờ nhưng thực làm chỉ hơn 6 giờ. Nếu tính trung bình mỗi ngày, một công chức “mượn” của nhà nước nửa giờ là một sự lãng phí không nhỏ”.
Chuyện cắt xén giờ không phải là chuyện lạ ở nước ta và nếu không kiên quyết xử lý sẽ để lại hậu quả không tốt về hình ảnh của các nhân viên công sở.
LƯƠNG SƠN (quận 12, TPHCM)