Sau khi đăng loạt bài “Doanh nghiệp nhỏ và vừa – những điều trăn trở” trên các số ra ngày 2, 3, 4-4, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Trao đổi với Báo SGGP về những khó khăn và triển vọng của doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, cần phải đồng hành cùng DN, kiên trì vượt qua giai đoạn khó khăn này.
- Phóng viên: Ông nhìn nhận ra sao về con số hơn 50.000 DN giải thể, ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay?
Ông CAO SỸ KIÊM: DN phá sản, ngừng hoạt động thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất là không tiếp cận được nguồn vốn kinh doanh do lãi suất ngân hàng quá cao, cộng với lạm phát tăng lên, giá nguyên liệu cũng tăng, thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới giảm do tác động của khủng hoảng, nợ công. Những điều đó dẫn đến DN đình trệ sản xuất và đến thời điểm không trả được vốn vay, không có khả năng nộp thuế nên dẫn đến thực trạng trên.
- Điều đó nói lên rằng, dù đã hội nhập với kinh tế thế giới từ lâu nhưng sức đề kháng của DN Việt Nam, nhất là những DNNVV, vẫn quá yếu?
Rất chính xác. DN Việt Nam tuy phát triển rất nhanh nhưng không được chuẩn bị ngay từ đầu, vốn vừa thiếu vừa ít, tay nghề công nhân thấp, công nghệ lạc hậu, hiểu biết về thị trường còn hạn chế. Những tồn tại đó cộng với những biến động từ kinh tế vĩ mô, lãi suất cao đã khiến DN không chịu đựng được.
- Như vậy, có vẻ những chính sách hỗ trợ vừa qua vẫn chưa có nhiều tác động tới DN, thưa ông?
Chính sách vĩ mô chỉ tạo môi trường cho DN nhưng điều kiện đó không đủ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là để vượt qua khó khăn tự bản thân DNNVV cần phải nỗ lực hơn nữa. DN phải tự xem xét, điều chỉnh lại kế hoạch hoạt động của mình để thích nghi với hoàn cảnh mới. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, do những tác động của yếu tố bên ngoài như giá nguyên liệu tăng, thị trường tiêu thụ bị co hẹp đúng là không phải do họ gây nên thì nhà nước phải hỗ trợ. Nhưng thực tế việc hỗ trợ hiện nay, theo tôi đánh giá là vẫn chưa được kịp thời. Ngoài ra theo quan điểm của tôi là DN phải có sự hợp tác thật chặt chẽ để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, điều này hiện đa phần DN vẫn chưa thực hiện được, khiến khó khăn đối với DN ngày càng tăng lên.
- Ông đánh giá ra sao về những tác động của việc giãn thuế vừa được gia hạn với DN cũng như chính sách giảm lãi suất vừa được áp dụng?
Hai chính sách này, nếu nói về mặt định hướng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý và niềm tin tốt cho cộng đồng DN. Điều này sẽ tạo động lực cho DN trước những chia sẻ của nhà nước. Nhưng để giải quyết được ngay những khó khăn này là khó. Chẳng hạn, giãn thuế thì sau này DN vẫn phải nộp, nhưng bây giờ DN đã khó khăn thì vài tháng sau họ cũng khó nộp được. Còn với lãi suất, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu giảm lãi suất huy động 1% để từ đó giảm lãi suất cho vay. Điều đó là quý rồi nhưng với lãi suất cho vay tới 19%– 20% thì việc giảm 1% cũng chưa đáng kể để giúp DN vượt qua khó khăn.
Mặt khác chưa kể, dù giảm lãi suất nhưng nguồn tín dụng đến với DN vẫn ít nên DN vẫn khó khăn. Lợi nhuận của các DN thường khoảng từ 10% - 15%. Nếu DN hoạt động chủ yếu chỉ vào tiền vay, thì lợi nhuận lại thuộc về ngân hàng. Chính vì vậy, theo tôi, lãi suất là nguyên nhân rất quan trọng, dù không quyết định hoàn toàn khiến DN làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản.
Tất nhiên, trong thời điểm hiện nay, chính sách nào đưa ra cũng phải có thời gian, nhất là chính sách tiền tệ. Bởi chúng ta chưa thể yêu cầu phải hạ lãi suất nhanh khi mà lạm phát vẫn đang cao, do đó, DN vẫn phải chịu đựng để tìm cách vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, miễn, giảm thuế cũng phải chờ Quốc hội có ý kiến, thông qua.
Điều quan trọng hiện nay là phải tạo được niềm tin cho người dân, DN. Nếu DN tin rằng chính sách khống chế lạm phát sẽ thành công, tiến tới giảm lãi suất thì điều đó rất có ý nghĩa cho nền kinh tế, lớn hơn rất nhiều so với một vài phần trăm con số lãi suất.
- Liên quan đến lãi suất, nhiều quan điểm cho rằng cần thiết phải bỏ trần lãi suất cho vay thì có thể hỗ trợ DN hơn là cách làm hiện nay. Quan điểm của ông ra sao?
Nếu bỏ cả trần lãi suất huy động và cho vay thì tốt hơn. Tuy nhiên, do chúng ta đã, đang thực hiện quy định trần gửi rồi thì vẫn phải làm bằng cách hạ lãi suất trần gửi để hạ lãi suất cho vay và quản lý chặt. Từ đó, dần dần tiến tới bỏ cả trần lãi suất huy động và cho vay.
- Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành tái cấu trúc DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty. Theo ông, cơ hội nào cho DNNVV xung quanh chủ trương này?
Điều này sẽ làm cho dòng vốn, sự bình đẳng giữa các DN tốt hơn. DNNVV trước đây yếu thế so với DNNN thì nay, những ưu tiên đối với DN khu vực nhà nước phải bỏ đi thì DNNVV sẽ được lợi. DNNVV cũng sẽ có cơ hội trở thành “vệ tinh” xung quanh các tập đoàn, tổng công ty trong việc trở thành nhà cung cấp các sản phẩm hỗ trợ. Đó là những triển vọng tốt đối với những DN nào biết nắm bắt.
Hà My
| |
| |