Khi được hỏi về kiến trúc của một số cây cầu mới được xây dựng ở TPHCM, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM, đã không ngại ngần khẳng định: xấu… thậm chí là thảm họa!
Thô kệch và rườm rà
Chính tôi đã đến gần, rồi lại lùi ra xa, ngó nghiêng, ngó thẳng, nhìn ngang rồi lại nhìn dọc…, thậm chí leo lên một ngôi nhà cao tầng gần đó để nhìn xuống dãy lan can dọc hai bên cây cầu Bông, cây cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nối quận 1 với quận Bình Thạnh, vừa mới được xây dựng. Đã nhủ lòng mình “hãy là một tờ giấy trắng” đừng để đánh giá của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu tác động nhưng… cuối cùng cũng phải đồng ý: Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nhận xét quả… không sai.
Cầu Bông dài của khoảng 85m, rộng 21m. Với kích cỡ khá khiêm tốn ấy, không hiểu sao những người xây cầu lại “nhét” vào lan can hàng cột to đùng, đế vuông ước mỗi cạnh dài gần 1m, cao khoảng 1,5m, đặt bên trên là những quả cầu hình tròn. Tuy không phải là một họa sĩ hay một kiến trúc sư, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM - một người dân sinh sống ở gần đó, cũng trả lời ngay khi được hỏi về kiến trúc của cầu Bông “quá xấu”! Theo ông Đặng Văn Khoa, cầu Bông không chỉ xấu bởi hàng cột mà còn xấu bởi hàng đèn dọc lan can “không ăn nhập” gì với không gian chung của cầu. Chưa hết, đường nét của hàng cột còn lem nhem, không sắc sảo. “Khó có thể nghĩ rằng, đây là sản phẩm của người lành nghề” - ông Đặng Văn Khoa nói. Cầu Hậu Giang mới ở quận 6 bắc qua kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng rất thô với hàng lan can tương tự cầu Bông.
Một trong 4 trụ to trên lan can cầu Bông. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Kiến trúc của cầu Kiệu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nối quận 3 với quận Phú Nhuận không đến nỗi thô kệch như hai cây cầu trên nhưng cũng không phải là cây cầu có kiến trúc đẹp. Có lẽ người xây cầu cũng muốn làm cho cầu đẹp khi thiết kế lan can cầu hình bước sóng và xây dựng dọc đó một dải hoa. Thế nhưng,… rườm rà, đó là cảm giác chung của nhiều người khi đi qua cầu Kiệu mới.
Vẫn có chuẩn mực chung về cái đẹp
Một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phản biện lại nhận xét của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu và ông Đặng Văn Khoa như sau: “Đẹp, xấu tùy mắt người nhìn. Hẳn là trong mắt các kỹ sư công chánh xây cầu, thiết kế cầu như vậy là đẹp”.
“Góc nhìn khác nhau, cảm nhận của mỗi người về cái đẹp có thể khác nhau nhưng vẫn có những chuẩn mực chung nhất về cái đẹp” - Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu bình luận. Ông Đặng Văn Khoa cũng nhất trí khi nhắc lại chuyện xưa “ông bà ta thường nói, mắt bồ câu là mắt đẹp. Có người sẽ không thích cặp mắt như vậy và yêu một cặp mắt ti hí… nhưng cũng không thể nói cặp mắt ti hí đẹp hơn cặp mắt bồ câu”.
Cầu là một trong những công trình kiến trúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cảnh quan kiến trúc chung của thành phố. TPHCM có rất nhiều cây cầu đẹp như cầu Thủ Thiêm 2, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2… Dáng uy nghi, kiến trúc đơn giản mà thanh thoát, duyên dáng. Sự xuất hiện của những cây cầu đẹp đã làm đẹp cho không gian kiến trúc chung của cả khu vực. Là một người “ngoại đạo” trong lĩnh vực kiến trúc, người viết bài này không dám bình luận nhiều về cái đẹp, chỉ kết lại với Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu bằng một câu hỏi: Với tư cách là một hội chuyên ngành về kiến trúc của TPHCM, Hội Kiến trúc sư TPHCM không chủ động góp ý hoặc được ngành giao thông tham khảo ý kiến trước khi xây cầu?”. “Họ có hỏi và mình có góp ý nhưng… họ chẳng thèm nghe”, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nói. Tất nhiên, những người xây cầu không bắt buộc phải “răm rắp” làm theo ý kiến góp ý của các kiến trúc sư. Thế nhưng, so với các kỹ sư công chánh, các kiến trúc sư là những nhà chuyên môn về kiến trúc. Ý kiến của họ nên được lắng nghe…
NGUYỄN KHOA