Chỉ trong một tháng qua, tại TPHCM có tới hai cuộc hội thảo về kiến trúc xanh. Cuộc đầu tiên do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM phối hợp với Công ty Boydens của Bỉ tổ chức và cuộc thứ hai do Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức.
Một trong rất ít công trình kiến trúc xanh tại TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Khởi…
Hai sự kiện nêu trên diễn ra trong vòng một tháng, ít nhiều cũng chứng tỏ, kiến trúc xanh ở Việt Nam nói chung và TPHCM đang rất được quan tâm.
Thế nhưng, đó mới là những… bằng chứng nhỏ. Theo kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TPHCM, cùng các thành viên trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ, từ Chính phủ cho tới các nhà đầu tư, các cơ quan nghiên cứu khoa học đều đang có nhiều động thái quan tâm đến kiến trúc xanh. Chính phủ đã cho thành lập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (ECC) với vai trò hỗ trợ, tư vấn về tiết kiệm năng lượng cho các công trình hiện hữu cũng như xây mới. Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn xây dựng 09/2005 và 09-2013/BXD hướng dẫn các công trình xây mới phải tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả đồng thời ban hành Thông tư 09/2012 bắt buộc các công trình xây dựng lớn phải sử dụng gạch không nung thay thế gạch nung để giảm phát thải vào môi trường. Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ, ngành liên quan công bố tiêu chuẩn quốc gia về tăng trưởng xanh đến 2020 tầm nhìn đến 2050, tập trung vào các vấn đề hạn chế và đi đến chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo…
Ngay cả các hội đoàn như Hội Kiến trúc sư TPHCM đã khuyến khích kiến trúc sư tham gia thiết kế các công trình xanh. Các kiến trúc sư đã cùng nhau thành lập Hội đồng công trình xanh Việt Nam và xây dựng hệ thống đánh giá công trình xanh - Lotus. Nhiều đơn vị tư vấn thiết kế đã có ý thức chuẩn bị nhân sự đủ kiến thức để đáp ứng các nhu cầu về thiết kế xanh tại thành phố như Green Consult, Green Viet, Urban Green… Đã có hơn 50 kiến trúc sư, kỹ sư được đào tạo kiến thức cơ bản về công trình xanh theo hệ thống đánh giá LEED của Mỹ, hơn 80 kiến trúc sư, kỹ sư được đào tạo đạt chuẩn chuyên gia tư vấn công trình xanh của Lotus Việt Nam. Những nhà thầu thi công cũng không… thua kém như: Hòa Bình, Coteccons, Unicons… là những đơn vị được đánh giá là đã có nhiều kinh nghiệm thi công các công trình xanh đúng chuẩn.
Còn các nhà sản xuất vật liệu xây dựng và cung ứng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường trong và ngoài nước cũng đã nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Hiện nay các vật liệu phát xạ thấp như sơn, keo, vernis low VOC, vải, gỗ công nghiệp low Formaldehyde… đạt tiêu chuẩn môi trường E1 của châu Âu hay tiêu chuẩn CARB của Mỹ đã có mặt ở nhiều cửa hàng. Nhiều nhà đầu tư cũng đã mạnh dạn chi một khoản tiền lớn để thuê thiết kế và xây dựng công trình xanh. Nổi bật trong số này là các đơn vị như Capitaland, Novaland, Keppel land… Ngay cả các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học cũng đã bước đầu tập trung nghiên cứu sâu về kiến trúc xanh, về các giải pháp xây dựng thân thiện với môi trường. Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM… đã có bộ môn riêng về kiến trúc bền vững.
Nhưng chưa… động
|
Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm nhưng số lượng công trình xanh tại TPHCM còn khiêm nhường. Cũng theo các kiến trúc sư trong Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TPHCM, hiện nay TPHCM mới có một công trình kiến trúc được chứng nhận công trình xanh theo hệ thống đánh giá LEED của Mỹ, 2 công trình được chứng nhận công trình xanh theo hệ thống Green Mark của Singapore, đặc biệt chưa có công trình nào đạt chứng nhận Lotus của Việt Nam. Trong khi đó, tại Bangkok (Thái Lan) đã có 38 công trình nhận chứng chỉ LEED; Kuala Lumpur (Malaysia) có đến 89 công trình đạt chứng nhận LEED; Singapore có tới 56 công trình nhận chứng chỉ LEED và hơn 1.500 công trình đạt chứng nhận Green Mark. Ngay cả Phnom Penh (Campuchia) chưa có hệ thống đánh giá công trình xanh cho riêng mình cũng đã có 7 công trình nhận chứng chỉ LEED.
Tại sao? Không quá khó để tìm câu trả lời… Đa phần các động thái quan tâm đến kiến trúc xanh của các cơ quan, đơn vị nêu trên mới chỉ dừng lại ở sự… quan tâm. Mong muốn làm công trình xanh thì có nhưng quyết tâm làm thì chưa. Biểu hiện của thái độ này có nhiều hình thái khác nhau. Đối với các nhà đầu tư, do thị trường công trình xanh chưa có cộng với thị trường địa ốc ảm đạm nên hầu hết đều tính toán tiết giảm chi phí đến mức tối đa. Trong khi đó, đầu tư xây dựng công trình xanh thường tốn chi phí ban đầu lớn, bao gồm cả chi phí xin phép xây dựng, chi phí tư vấn xanh và cả chi phí không nhỏ để đăng ký xin cấp chứng nhận xanh.
Về phía Nhà nước, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh một cách cụ thể. Các bộ ngành chức năng cũng chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng tương xứng với tiêu chí xanh, đặc biệt chưa ban hành đơn giá chuẩn với công trình xanh để các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách có thể áp dụng. Nhiều chủ đầu tư xây dựng các công trình có vốn ngân sách cho rằng, việc phải tuân thủ giá trần công trình bình thường do Bộ Xây dựng ban hành là một trở ngại cho giai đoạn quyết toán khi đầu tư công trình xanh.
Giá vật liệu, thiết bị phục vụ công trình xanh thường cao hơn sản phẩm bình thường. Đã có nhiều nhà sản xuất lợi dụng điều này để tăng giá bán dù giá trị thực tế của sản phẩm thấp hơn nhiều. Hơn nữa, thị trường công trình xanh ở Việt Nam chưa đủ lớn để hấp dẫn các nhà sản xuất, phân phối, sản xuất và phân phối hàng ở Việt Nam nên sự cạnh tranh để giảm giá sản phẩm chưa nhiều. Ngay cả nhiều kiến trúc sư, mặc dù rất mong muốn được tham gia thiết kế công trình xanh nhưng do thiếu kinh nghiệm thực tế nên không ít lần họ đã phạm sai lầm, tư vấn những tiêu chí xanh không phù hợp với điều kiện thực tế, làm tăng giá thành công trình. Những sai lầm này vô hình trung đã làm cho các nhà đầu tư mất tin tưởng và quay lưng với các dự án xanh. Nhận thức của cộng đồng với kiến trúc xanh - một yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra một “thị hiếu” kiến trúc xanh, còn hạn chế…
Tất cả những điều này đã và đang làm cho việc thực thi kiến trúc xanh chủ yếu tồn tại ở… ước muốn và chưa có cơ hội triển khai trong thực tế.
NGUYỄN KHOA