Kiến trúc xanh… vẫn chờ lực đẩy

Gần chục năm trước, tôi đã có dịp nói chuyện về kiến trúc xanh với kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM. Giờ đây, hỏi lại… vẫn chưa thấy có gì đột phá. “Tại sao?”, tôi gặng hỏi. “Nhà nước phải xây dựng bộ tiêu chí về kiến trúc xanh, làm cơ sở cho xu hướng kiến trúc này phát triển. Mấy năm nay, hội kiến trúc sư và một số hội ngành khác có đưa ra một số tiêu chí xây dựng, đầu tư xanh để khuyến khích xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, thậm chí tổ chức nhiều cuộc thi về kiến trúc xanh nhưng tất cả chỉ là phong trào”, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nói.

34a-1454.jpg
Tòa nhà Đức trên đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM sử dụng loại kiếng đạt tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng cao

Trung bình mỗi năm, TPHCM có hàng chục ngàn ngôi nhà và nhiều công trình khác được xây mới, nhưng bao nhiêu trong số này được xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường? Chưa có đơn vị nào thống kê nhưng theo Hội Kiến trúc sư TPHCM, con số này chắc chắn không nhiều vì chi phí thiết kế và xây dựng công trình như vậy thường cao hơn công trình thường 20% đến 40%. Quan trọng hơn, do kiến trúc xanh mới chỉ là phong trào nên việc đầu tư xây dựng phụ thuộc hoàn toàn vào sở thích, mong muốn của nhà đầu tư.

34-mang-xanh-anh-hoang-hung-3-1734.jpg
Nhà Thiếu nhi TPHCM có 2 bể chứa nước trên nóc tòa nhà và tầng hầm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Hầu hết chủ đầu tư cá nhân và doanh nghiệp khi được giới thiệu đều hào hứng với kiến trúc xanh nhưng xét tới chi phí, có hơn 90% buồn bã lắc đầu”, kiến trúc sư Phạm Đăng Khôi, chia sẻ.

Ông còn thông tin, chi phí đầu tiên là ý tưởng, vì với kiểu nhà ống nhỏ, hẹp phổ biến hiện nay, thì việc tìm được giải pháp thích ứng với môi trường, thật không đơn giản. Kế đến là chi phí xây dựng - nếu nhà hướng Tây, muốn hạn chế bức xạ mặt trời, phải có phương án làm giảm ánh sáng mặt trời chói thẳng vào như xây thêm tường ngăn hoặc sử dụng vật liệu đặc biệt… Trong khi, các dự án phát triển bất động sản, nơi có không gian thuận tiện để thực hiện kiến trúc xanh, hầu hết chủ doanh nghiệp lại không quan tâm do yếu tố lợi nhuận chi phối. Giá tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, đèn chiếu sáng… tiết kiệm năng lượng thường cao hơn thiết bị thông thường khoảng 20%-30%. Lắp đặt điện mặt trời áp mái hay đơn giản chỉ là máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng đồng nghĩa với thêm chi phí đầu tư…

TPHCM có một số công trình kiến trúc đạt được một số tiêu chuẩn về thân thiện với môi trường. Nhà Thiếu nhi TPHCM là một ví dụ. Công trình này được thiết kế 2 bể chứa nước, 1 cái đặt trên nóc nhà và 1 cái đặt ngầm. Hai bể này giúp trữ nước mưa để tưới cây cho cả khuôn viên rộng lớn, góp phần tạo không khí mát mẻ cho ngôi nhà. Tòa nhà Đức, nằm trên đường Lê Duẩn, dù sử dụng rất nhiều kiếng nhưng vẫn mát vì đây là loại kiếng đạt tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng rất cao.

Nguồn: Hội Kiến trúc sư TPHCM

Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, trước mắt, các công trình xây dựng của Nhà nước nên tiên phong áp dụng kiến trúc xanh. Muốn vậy, có 2 việc cần làm; ban hành bộ tiêu chí về kiến trúc xanh và điều chỉnh định mức chi phí xây dựng cho phù hợp với lối kiến trúc này. Với người dân, nên khuyến khích, có thể bắt đầu bằng những việc đơn giản, không tốn nhiều chi phí như vận động trồng cây xanh. Khi xây nhà nên làm hồ trữ nước mưa để tưới cây; lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời… Nên trao đổi để người dân và doanh nghiệp hiểu chi phí đầu tư ban đầu cho kiến trúc xanh có thể cao nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí điện, nước. Quan trọng hơn, lợi nhuận lớn nhất là góp phần bảo vệ được môi trường sống chung của chúng ta.

Ở góc độ quy hoạch, theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, kiến trúc xanh không chỉ là kiến trúc của một ngôi nhà, một công trình đơn lẻ mà là tổng thể mối quan hệ từ quy hoạch phát triển đô thị tới thiết kế và xây dựng chung. Vì thế, để xu hướng kiến trúc xanh đi vào cuộc sống, còn cần một đồ án quy hoạch mà trong đó việc xác định hướng phát triển, phân bố dân cư, xây dựng nhà xưởng… phải được tính toán theo hướng phù hợp với điều kiện địa chất, thủy văn, thân thiện với môi trường.

Hiện ngành xây dựng sử dụng khoảng 17% lượng nước sạch trên thế giới, 28% lượng gỗ xẻ, 30%-40% năng lượng và 40%-50% các nguyên vật liệu xây dựng khác. Hoạt động xây dựng thải ra khoảng 25% lượng khí CO2 trên toàn cầu. Trong khi đó, nếu thực hành đầy đủ giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm tới 35% lượng khí thải CO2 và giảm 30%-50% lượng điện tiêu thụ. Do đó, để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ nên sớm có những quy định cụ thể về kiến trúc và quy hoạch phải bền vững.

Tin cùng chuyên mục