Không được hưởng chế độ về quốc tịch
Ông J.M.A. (sinh năm 1959, quốc tịch Canada) là con của bà N.T.L. (quốc tịch Việt Nam) và ông A.W.A. (quốc tịch Canada). Ông J.M.A. sinh ra ở Việt Nam, khai sinh tại quận Phú Nhuận, Gia Định (nay là TPHCM). Những năm gần đây, ông J.M.A. về Việt Nam thường xuyên để giải quyết việc gia đình và có ý định nhập tịch Việt Nam. Là con đẻ của người có quốc tịch Việt Nam, lại có giấy khai sinh (một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam) tại Gia Định, ông J.M.A. nghĩ rằng mình dễ dàng được xác định có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, khi ông J.M.A. đi làm thủ tục thì mới biết khó khăn phát sinh là khai sinh của mình chỉ có các mục về tên, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, tên cha, tên mẹ, tên người khai trình mà không có mục ghi “quốc tịch Việt Nam”. Mặc dù ngay góc trái của bản khai sinh là quốc hiệu đã thể hiện rõ, trong đó có chữ “Việt Nam”. Ngại thủ tục phức tạp, ông J.M.A. đành hoãn lại việc nhập tịch.
Niềm vui của kiều bào Campuchia bên cành mai ngày tết tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng, TPHCM năm 2017 . Ảnh: VIỆT DŨNG
Tiến sĩ Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM, cho hay hiện nay kiều bào có quốc tịch Việt Nam chủ yếu là thế hệ F1 đã lớn tuổi hoặc hết tuổi lao động và một phần thế hệ F2. Những người đủ điều kiện đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam cũng vậy, chủ yếu là những người từng có quốc tịch Việt Nam (thế hệ F1) và một số ít thế hệ F2. Trong khi đó, đông đảo các thế hệ kiều bào trẻ (F2, F3, F4), người có cha hoặc mẹ là người Việt Nam, người được sinh ra tại nước ngoài, thì lại chưa từng có quốc tịch Việt Nam.
“Bản thân cháu nội tôi cũng chưa có quốc tịch Việt Nam”, bà Lương Bạch Vân dẫn chứng bằng chính câu chuyện của gia đình và cũng là tình trạng chung mà nhiều kiều bào đang gặp phải. Bà Vân kể, cha cháu (con trai bà Vân - PV) quốc tịch Việt Nam, mẹ cháu quốc tịch Đức, cháu sinh ra ở Pháp. Khi cha cháu tới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam thì được trả lời cháu chưa từng có quốc tịch Việt Nam! Lúc này, mọi người mới ớ ra là mình không thể đăng ký giữ cái mà mình… chưa từng có. Bây giờ cháu đang ở tuổi lỡ cỡ (đã qua tuổi sơ sinh để cha mẹ đăng ký quốc tịch cho con, lại chưa đến tuổi trưởng thành để được quyền chọn quốc tịch cho mình), nên việc nhập tịch Việt Nam là cực khó, chưa biết có cách nào giải quyết và có lẽ phải đợi đến khi các cháu trưởng thành. Khi đó, phải làm thủ tục như người nước ngoài xin nhập tịch, rất phức tạp và phải được Chủ tịch nước đồng ý.
“Thế hệ kiều bào như chúng tôi đa số có quốc tịch Việt Nam. Thế hệ con thì người có người không. Đến thế hệ cháu thì việc có quốc tịch Việt Nam là khó và ít người có. Nhiều khi cả gia đình muốn về thăm quê mà quốc tịch không giống nhau, thủ tục khác nhau, lằng nhằng thành ra lại ngại. Đại gia đình hiếm khi đoàn tụ”, bà Lương Bạch Vân chia sẻ.
Số lượng kiều bào có quốc tịch Việt Nam sẽ giảm?
Theo thống kê sơ bộ năm 2014 của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, sau 5 năm kể từ ngày Luật Quốc tịch cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ điều kiện thì được đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, con số thực hiện được chỉ khoảng 10.000 người - chiếm khoảng 4% kiều bào.
Hiện nay, thế hệ kiều bào F1 hầu hết còn quốc tịch Việt Nam, thế hệ F2 thì người có người không và các thế hệ tiếp nối thì rất ít người được hưởng chế độ về quốc tịch Việt Nam. Như gia đình ông J.M.A., ngoài mẹ ông có quốc tịch Việt Nam, khi sang thế hệ con, gồm 3 anh em ông, thì đã không còn ai có quốc tịch Việt Nam. Trong khi thế hệ kiều bào F1 có quốc tịch Việt Nam đang ngày một già, các thế hệ kiều bào trẻ sinh ra ở nước ngoài lại ít người có quốc tịch Việt Nam, vấn đề đặt ra hiện nay là số lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam sẽ giảm dần. Một lý do khác, có một số quốc gia không cho phép công dân (trong đó có người Việt Nam định cư ở nước sở tại) có 2 quốc tịch, như Nga, Đức, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nên người Việt Nam định cư tại các nước này không thể đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Theo ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, Luật Quốc tịch Việt Nam tiếp tục quán triệt nguyên tắc một quốc tịch. Nhìn rộng ra quốc tế, đa số các nước trên thế giới cũng đều áp dụng nguyên tắc một quốc tịch. Vì vậy, mong muốn của kiều bào trẻ là chính đáng, song rõ ràng vẫn còn khoảng cách giữa mong muốn với quy định hiện nay.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân chia sẻ, đối với thế hệ kiều bào F1 đã lớn tuổi, nhiều người muốn về nước để nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Còn thế hệ kiều bào sinh trưởng ở nước ngoài đang ở độ tuổi 40, độ tuổi sung sức của đời người, lại được đào tạo bài bản, gồm nhiều doanh nhân, trí thức, hoạt động nhiều ngành nghề và họ sẵn sàng về Việt Nam. Nhiều người trẻ đã kết nối cùng nhau và rất muốn “làm điều gì đó cho Việt Nam phát triển”. Riêng tại Pháp, có khoảng 150 kiều bào trẻ trình độ cao sẵn sàng đóng góp cho quê nhà. Chỉ có điều, nhiều người vẫn chưa có quốc tịch Việt Nam.
Theo bà Lương Bạch Vân, đây là thiệt thòi lớn cho chính các em và cho chính đất nước. Bởi, chính người trẻ đang chiếm số lượng lớn trong số người Việt Nam định cư ở nước ngoài và là lực lượng chúng ta cần phát huy tiềm lực trong thời gian tới. Hiện nay, nhu cầu đăng ký xác định có quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là rất lớn, từ những người đã hết tuổi lao động mong muốn được về quê hương an dưỡng, cho đến người trẻ cũng khao khát được về quê cha đất tổ để tìm hiểu phong tục tập quán, mang kiến thức, công nghệ tiên tiến từ khắp nơi trên thế giới về nước. Bà Lương Bạch Vân mong muốn, cần có chính sách cụ thể cho tình trạng này, đừng bỏ ngỏ thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba!
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kiều bào đóng góp
Chính sách cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ điều kiện thì được đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam mang tính đột phá quan trọng. Đây là một động thái rất kịp thời, để khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đã, đang và có ý định trở về quê hương làm ăn, sinh sống lâu dài.
Tuy nhiên, những quy định hiện nay vẫn chưa thể giải quyết được mấu chốt của vấn đề, xóa bỏ được các rào cản liên quan đến thủ tục và nhu cầu đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam cho kiều bào. Qua quá trình hỗ trợ kiều bào từ nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa đồng bộ. Thậm chí, có tình trạng mỗi nơi tự ý phát sinh thêm hồ sơ.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận có yếu tố đã, đang và sẽ gây nhiều cản trở trong vấn đề đăng ký xác định có quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là, khi ban hành quy định, cơ quan làm luật đã không lưu ý đến các đặc điểm lịch sử của người Việt Nam ở nước ngoài có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, mà nhất là những người đã xuất cảnh không hợp pháp đến các nước; để từ đó có thể yêu cầu họ cung cấp hoặc trích lục các tài liệu, giấy tờ về nhân thân và hộ tịch phù hợp mà họ có thể có, khi thực hiện thủ tục đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam.
Chúng ta không khuyến khích sự phân biệt, song trong trường hợp này, sự phân biệt là cần thiết, nhằm đặt ra các yêu cầu về điều kiện trong thủ tục đăng ký xác định có quốc tịch sao cho thuận lợi nhất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Để tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục, nên chăng cần quy định những giấy tờ, tài liệu bất kỳ về hộ tịch, về nhân thân do nhà nước Việt Nam cấp như thẻ căn cước, thế vì khai sinh, giấy khai sinh, bản án… hay các giấy tờ như thẻ học sinh, thẻ sinh viên, thẻ cán bộ, thẻ công chức, thẻ cử tri (không phân biệt chế độ)… đương nhiên được xem là chứng cứ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
Nhiều kiều bào mong muốn mở rộng đối tượng được đăng ký xác định có quốc tịch cho các thế hệ kiều bào trẻ, những người chưa từng có quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng được đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, với điều kiện: chỉ cần có cha hoặc mẹ là người từng có quốc tịch Việt Nam, thì đủ điều kiện được đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy, những người có cha hoặc mẹ (hoặc cả hai cha mẹ) từng có quốc tịch Việt Nam, dù được sinh ra ở nước ngoài hay tại Việt Nam, cũng đủ điều kiện đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam. Và chắc chắn, đây sẽ là lực lượng đông nhất trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện nay và trong tương lai.
Kiều bào cũng kiến nghị thông qua con đường ngoại giao cần vận động các nước cho phép người Việt Nam định cư tại nước sở tại được xác định có quốc tịch Việt Nam trên cơ sở và nguyên tắc có đi có lại.
Để tạo mọi điều kiện thuận lợi để người Việt Nam định cư ở nước ngoài quay về làm ăn sinh sống tại quê hương, đóng góp công sức, tài sản, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước, cần tiếp tục cụ thể hóa chính sách của Nhà nước - xem người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam - thông qua việc tạo thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, được có quốc tịch Việt Nam.
Luật sư LÂM QUANG QUÝ
Trung tâm Hỗ trợ kiều bào TPHCM
Trung tâm Hỗ trợ kiều bào TPHCM