Kim ngạch xuất khẩu 16,5 tỷ USD - tiếp tục phát động “trồng cây gây rừng”

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các loại đồ gỗ và lâm sản đã đem lại 16,5 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam. Để tăng cường quản lý và phát triển rừng, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã ký chỉ thị phát động trồng cây, trồng rừng.

Ngày 23-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ký chỉ thị số 8733 về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, biến động phức tạp của thị trường thế giới đến sản xuất nông lâm nghiệp, đời sống của người dân và xuất khẩu lâm sản nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 245.000ha rừng trồng tập trung và 122 triệu cây xanh phân tán, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng 31,5 triệu m3 gỗ, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 16,5 tỷ USD, đạt 102% so với kế hoạch năm và tăng 5% so với năm 2021.

Đồng thời, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao chất lượng rừng; công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể; thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.600 tỷ đồng, đây là nguồn tài chính quan trọng và bền vững cho ngành lâm nghiệp.

Để tiếp tục tạo cơ sở bền vững cho năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề nghị các địa phương khởi động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão gắn với triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2023.

Các yêu cầu đặt ra như đẩy mạnh quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ môi trường rừng.

Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thu đủ tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 và giải ngân cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng trước dịp Tết Nguyên Đán.

Năm 2023, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao để quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng.

Đồng thời phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định. Đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được lực lượng chức năng phát hiện và các cơ quan truyền thông phản ánh.

Tin cùng chuyên mục