Kinh doanh hàng giả: Có thể bị phạt đến 500 triệu đồng

Theo Nghị định số 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 9-11-2010 thì mỗi hành vi vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng đối với hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định này cho phép áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm đó. Phạt tiền được áp dụng theo khung tiền phạt quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định này, mức phạt tối đa là 500 triệu đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang yếu tố vi phạm, văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận hoặc tài liệu khác bị sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp có thể bị tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, thẻ giám định viên, giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hành nghề giám định; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu phải được tiến hành trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày ký quyết định xử phạt. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền có quyền tham gia giám sát và có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan thẩm quyền xử lý hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu.

M.NGUYỄN – N.V.H

Tin cùng chuyên mục