Khao khát sở hữu những thiết bị công nghệ thời thượng nhất hiện nay, thiếu niên 17 tuổi sống ở tỉnh An Huy - một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc - đang lâm vào tình trạng hiểm nghèo vì sự dại dột của mình. Vương đã bán một quả thận với giá chỉ 22.000 NDT (3.500 USD) để mua hai sản phẩm có chức năng không quá khác biệt: iPhone và iPad, cũng như để trả khoản nợ không nhỏ do cờ bạc, cá độ.
Chính quyền Trung Quốc vào cuộc truy tố trách nhiệm hình sự đối với 5 cá nhân tham gia vụ dàn xếp mua bán thận cùng hành vi gian lận: giấu nhẹm và chia nhau số tiền dư gấp 9 lần số tiền trả cho Vương. Một trong số đó là bạn của Vương, đảm nhận vai trò cầu nối, lên kế hoạch và bố trí địa điểm để phẫu thuật lấy quả thận ra khỏi cơ thể Vương.
Từ năm 2007, Trung Quốc đã có lệnh cấm mua bán các bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, lệnh cấm không ngăn được hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận, bất chấp sức khỏe và tính mạng người khác. Hoạt động này vẫn diễn ra rầm rộ mỗi ngày trên thị trường chợ đen, chủ yếu thông qua những kênh rao bán trực tuyến mà chính quyền không kiểm soát xuể.
Chỉ riêng ở Trung Quốc, nhu cầu được ghép các bộ phận cơ thể rất lớn, đến 1,5 triệu người đang chờ đợi được phẫu thuật cấy ghép, nhưng trung bình mỗi năm, chỉ có khoảng 10.000 ca phẫu thuật cấy ghép được thực hiện ở Trung Quốc.
Dư luận một mặt phẫn nộ với vụ “ăn chặn” trên, một mặt bày tỏ lo ngại trước xu hướng coi trọng chủ nghĩa thực dụng, tiêu dùng, sa đà vào cuộc đua không bao giờ có giới hạn của những thiết bị công nghệ đắt tiền, thiên về giải trí.
Nếu biết được mình phải đối mặt với rủi ro ngày hôm nay, phải điều trị suy thận với diễn biến sức khỏe ngày càng xấu đi, cộng với nỗi lo của người thân, có lẽ Vương đã không có quyết định thiếu suy nghĩ. Dư luận Trung Quốc đang dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực mà chủ nghĩa tiêu dùng đang gây ra, khiến giới trẻ Trung Quốc nói riêng và giới trẻ trên thế giới phải “quay cuồng”.
Có độc giả nói: “Thật đáng buồn khi cậu ta không trân trọng giá trị bản thân. Tôi nghĩ hãng Apple nên có hành động chia sẻ trong trường hợp này. Dĩ nhiên, không phải vì lỗi của họ nhưng cũng đến lúc, kể cả nhà sản xuất các thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại và người tiêu dùng cẩn trọng hơn trước sự thổi phồng, tô vẽ hào nhoáng quá mức một sản phẩm như thế”.
Theo truyền thông Trung Quốc, suy nghĩ bán bộ phận cơ thể để trả nợ, để đáp ứng nhu cầu ham muốn sở hữu một chiếc điện thoại, máy tính bảng hiện đại hay thậm chí có tiền để gấp rút đưa người yêu đi phá thai là chuyện… bình thường. Hoặc theo nhật báo Phương Nam của Trung Quốc, có những bạn trẻ hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn nhưng do tiêu xài hoang phí, đến khi cần một số tiền, họ nghĩ ngay đến việc bán một bộ phận nào đó của cơ thể để trang trải. Tờ báo trên cho rằng, trong xã hội hiện đại ngày nay, chạy đua vật chất là xu hướng được cổ xúy. Những món hàng công nghệ lẽ ra chỉ là phương tiện hỗ trợ nhưng được tung hô là “thiết bị đỉnh cao”, được cải tiến liên tục để chạy theo lợi nhuận thì người tiêu dùng sẽ tự biến mình thành nô lệ của công nghệ mới chứ không còn là công cụ phục vụ con người.
NHƯ QUỲNH