Kinh nghiệm chấn chỉnh chợ tự phát

Mặc dù từ tháng 9-2014 UBND TPHCM đã có Chỉ thị 26 chỉ đạo đến hết năm 2015, toàn TP phải giải tỏa xong các chợ tự phát chiếm dụng lòng lề đường, thế nhưng, đến nay tại hầu hết quận, huyện vẫn còn các chợ tự phát.
Kinh nghiệm chấn chỉnh chợ tự phát

Mặc dù từ tháng 9-2014 UBND TPHCM đã có Chỉ thị 26 chỉ đạo đến hết năm 2015, toàn TP phải giải tỏa xong các chợ tự phát chiếm dụng lòng lề đường, thế nhưng, đến nay tại hầu hết quận, huyện vẫn còn các chợ tự phát.

Việc quy hoạch trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ địa phương, siêu thị… được chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện, nhưng chợ tự phát vẫn tồn tại, dẫn đến nhiều hệ lụy về gây mất trật tự, vệ sinh và mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông. Chính quyền các địa phương đã có nhiều giải pháp khác nhau để chấn chỉnh chợ tự phát. Bài học kinh nghiệm là sắp xếp xong thì tiến hành đồng bộ công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Chợ tự phát ở góc đường Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thái Học (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) vẫn hoạt động suốt một thời gian dài, dù chợ cá cầu Ông Lãnh và chợ rau Cầu Muối đã giải tỏa cả chục năm trước.

Chợ tự phát này bán đủ loại rau củ quả, thịt cá, thành nơi tiêu thụ các mặt hàng từ chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối rau củ quả Thủ Đức. Chính quyền địa phương đã giới hạn giờ giấc họp chợ, chỉ được họp chợ vào đêm khuya và chấm dứt trước 6 giờ. Các tiểu thương cũng phải cam kết dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ và trả lại mỹ quan đô thị.

Hàng ngày, cứ tầm 6 giờ, UBND phường Cầu Ông Lãnh tổ chức đoàn kiểm tra chấn chỉnh tình hình mua bán lấn chiếm lòng lề đường. Chính quyền phường đã xử lý khá kiên quyết với các hành vi vi phạm như dựng xe và bày bán hàng hóa trên lòng lề đường, qua đó góp phần chấn chỉnh trật tự đường phố ở khu vực trung tâm.

Thời gian gần đây, người dân sinh sống trên đường Vũ Duy Ninh (phường 22, quận Bình Thạnh) rất phấn khởi với hiệu quả của chính quyền phường trong công tác chỉnh trang đô thị, xử lý chợ tự phát.

Bà Diệu Thúy, cư dân lâu năm ở đây, cho biết: “Ban đầu, chợ tự phát này chỉ hoạt động từ 15 giờ hàng ngày, nên bà con hay gọi là chợ chiều. Chợ mua bán đủ loại thực phẩm và hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của cư dân ở khu vực. Mấy năm gần đây, khi các công trình chung cư cao tầng và đường xe lửa trên cao thu hút khá đông công nhân, người lao động về đây, chợ tự phát đã hoạt động rầm rộ ngày đêm. Các tiểu thương mua gánh bán bưng hoặc bán bằng xe đẩy tay đã bày hàng hóa chiếm dụng lòng lề đường, thậm chí tràn ra giữa đường. Con đường Vũ Duy Ninh nối từ đường Ngô Tất Tố đến đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ùn tắc thường xuyên. Chỉ cần một chiếc taxi đưa khách ra vào con đường này, liền xảy ra ùn tắc trầm trọng”.

Chợ tự phát trên đường Vũ Duy Ninh đã thông thoáng và trật tự hơn

Để giải quyết thực trạng này, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND phường 22 quận Bình Thạnh, cho biết: “Trước khi ra quân chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng lòng lề đường, tôi đã dành nhiều thời gian đến gặp hơn 100 tiểu thương tại chợ chiều, vận động họ chấp hành tốt việc bày hàng hóa buôn bán và ký cam kết không chiếm dụng lòng lề đường. Đối với các tiểu thương mua gánh bán bưng, xe đẩy…, dứt khoát không được bán tại chợ chiều nữa. Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy nhiều hộ trong khu vực chợ chiều không kinh doanh mà cho thuê phần vỉa hè ngay trước cửa nhà. Như vậy là không được. Bởi lẽ, lòng lề đường đâu phải của họ mà tùy tiện cho thuê mướn. Do đó, chúng tôi vận động họ không cho thuê như vậy nữa”. Sau gần 1 tháng vận động thuyết phục, từ giữa tháng 7 chính quyền địa phương bắt đầu  xử lý. Các bảo vệ dân phố đứng trực ở đầu chợ. Kể từ đó, đường Vũ Duy Ninh đã được thông thoáng. Chợ vẫn hoạt động nhưng trật tự, ngăn nắp hơn”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục