Kinh nghiệm “vượt vũ môn” của các nữ thủ khoa đại học

1. Trương Dương Diễm Uyên
Kinh nghiệm “vượt vũ môn” của các nữ thủ khoa đại học

Hơn một tuần nữa, kỳ thi ĐH-CĐ chính thức diễn ra trên cả nước. Có nhiều thí sinh ôn thi quên ăn, quên ngủ. Đây có phải cách mà các thủ khoa ĐH áp dụng trước giờ G?

1. Trương Dương Diễm Uyên (28/30 điểm, thủ khoa ĐHSP TPHCM năm 2008): Học kiểu “mưa dầm thấm lâu”

Trương Dương Diễm Uyên
Trương Dương Diễm Uyên

Diễm Uyên mê học Toán từ nhỏ, điều này được thừa hưởng từ ba, hiện là Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú huyện Krông Buk - Đắc Lắc. “Các bài toán khó đối với em không đáng ngại vì em luôn nắm kỹ công thức, không học vẹt và thường giải bài toán bằng nhiều cách khác nhau. Nói chung em học theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” - cựu học sinh Trường chuyên Nguyễn Du TP Buôn Ma Thuột chia sẻ.

“Học nhồi nhét là phương pháp phản khoa học”, Uyên tâm sự. Trước ngày thi một tuần, Uyên tập trung cho lý thuyết và những bài phản xạ nhanh. Học tới đâu, Uyên nắm vững kiến thức tới đó, đỡ mất nhiều công sức, thời gian khi ôn. “Các bạn nên ăn, nghỉ điều độ, tránh tạo áp lực cho bản thân, giữ cho tâm trạng thoải mái, tự tin. Khi thi, nên làm hết thời gian. Thi xong, dành từ 10-15 phút kiểm tra toàn bộ bài giải, đáp án” - Diễm Uyên khuyên các thí sinh.

Hiện tại, Diễm Uyên đang học năm nhất Sư phạm Toán Trường ĐHSP TPHCM.

2. Phan Thị Dịu (27,5/30 điểm, thủ khoa Trường ĐH KHTN TPHCM): Tóm lược kiến thức theo trọng tâm.

“Kinh nghiệm của em là ôn kỹ kiến thức trong SGK. Sau đó, tự khái quát, tóm lược kiến thức trọng tâm theo định hướng của thầy cô. Khi học nên tập trung cao, không phân tán tư tưởng” - cô học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho biết.

Phan Thị Dịu (phải) cùng bạn

Phan Thị Dịu (phải)  cùng bạn

Bố mẹ đều làm ruộng, cuộc sống gia đình chỉ tạm đủ ăn nên để thực hiện ước mơ của gia đình (thi đậu ĐH), Dịu càng phấn đấu mạnh mẽ. Con đường đến với danh hiệu thủ khoa được Dịu gút lại: “Tự học là yếu tố quan trọng. Ngoài học tại trường, giải đề theo hướng dẫn của giáo viên em không ôn thi ở bất kỳ lò luyện nào”.

Dịu cũng “bật mí”: “Nên ôn lý thuyết vào buổi sáng sớm. Buổi tối là lúc tranh thủ làm bài tập. Khoảng 23g em đi ngủ, 4g sáng em thức dậy ôn thi”. Ngoài ra, Dịu cũng cho biết, em không phải chịu bất cứ áp lực gì từ gia đình. Ngành học do em tự chọn, bố mẹ chỉ đóng vai trò tư vấn để em tham khảo.

Ngày thi, bạn bè thường kiêng một số món như trứng, chuối… vì sợ trượt nhưng riêng Dịu thì: “Món ăn hôm em đi thi có cả trứng chiên và chuối tráng miệng. Đây là các món cây nhà lá vườn mà em rất thích”.

Phan Thị Dịu hiện là sinh viên năm nhất khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH KHTN TPHCM.

3. Nguyễn Đức Như Thủy (25/30 điểm, thủ khoa Trường ĐH KHXHNV TPHCM): Viết nhiều sẽ “lên tay”.

12 năm liền là học sinh giỏi, cô học sinh chuyên D Trường Phổ thông năng khiếu ĐHQG TPHCM chia sẻ: Chỉ có viết nhiều sẽ “lên tay” - khi được hỏi về bí quyết viết văn hay.

Nguyễn Đức Như Thủy

Nguyễn Đức Như Thủy

Như Thủy cũng cho biết, em không thích đọc sách tham khảo. “Em chỉ tập trung đọc các tác phẩm lý luận văn học của các nhà văn, nhà nghiên cứu như Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh… để từ đó tạo cho bài văn có chiều sâu, có trọng lượng. Em nghĩ, đọc sách tham khảo sẽ khiến mình thụ động trong lập luận, suy nghĩ. Em muốn bài văn là sự sáng tạo của riêng em” - Như Thủy tâm sự.

Đối với các môn xã hội, việc học thuộc và nhớ dai là điều rất quan trọng. Vì vậy, Thủy cho biết em học theo chủ đề, nắm vững diễn biến từng giai đoạn văn học. Để viết văn hay, phải đọc nhiều và viết nhiều. Thủy quan niệm, khi đọc, đó là tác phẩm của người khác nhưng khi viết, tác phẩm đó là của mình. Chính vì vậy Thủy khuyên: “Nên luyện viết mở bài với nhiều đề tài khác nhau”.

Theo kinh nghiệm của Thủy, trước khi thi khoảng 5 ngày nên đọc sơ qua tất cả lý thuyết. Mục đích không phải học thuộc mà để nhớ, hiểu những gì đã học. Bên cạnh đó, Thủy cũng lưu ý với các bạn thí sinh: “Bình tĩnh, tự tin khi làm bài sẽ quyết định kết quả bài thi của bạn.

Phần lý thuyết 3 điểm, các bạn nên khai triển theo phương pháp diễn dịch. Mỗi ý là một đoạn, rõ ràng, dễ hiểu. Phần bài văn nên để ý tới cách mở bài sao cho thu hút người đọc; kết bài nên có tiểu kết khái quát tư tưởng tác giả, ý chủ đạo của tác phẩm… Như thế sẽ giúp bài văn thuyết phục người đọc”.
Hiện Như Thủy đang học năm nhất Khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH-NV TPHCM.

Thi Hồng

Tin cùng chuyên mục