Một ngày sau khi rất nhiều chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Mỹ đã hết khủng hoảng, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ngày 7-4 công bố thâm hụt ngân sách 6 tháng đầu năm 2012 tiếp tục ở mức cao, có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế Mỹ, đặt nước này bên bờ vực phá sản vì nợ công.
Thâm hụt ở mức cao
Bản báo cáo cập nhật của CBO cho biết cán cân thu chi của Chính phủ liên bang Mỹ trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2012, bắt đầu từ tháng 10-2011, đã lên tới 780 tỷ USD. Dù mức thâm hụt này ít hơn 53 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011 nhưng vẫn ở mức cao. Với đà này, CBO dự báo năm 2012, năm thứ 4 liên tiếp mức thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Năm 2011, ngân sách Chính phủ Liên bang Mỹ thâm hụt 1.300 tỷ USD.
Mức thâm hụt ngân sách liên tục tăng mạnh trong vài năm qua đã bổ sung thêm vào khoản nợ quốc gia của Mỹ lên mức 15.625 tỷ USD. Ở thời điểm đầu tháng 4-2012, bình quân mỗi người Mỹ phải gánh chịu khoảng 50.000 USD nợ. Khoản nợ quốc gia của Mỹ trong hơn 3 năm cầm quyền của Tổng thống Obama đã tăng nhanh gấp 4 lần so với 2 đời tổng thống tiền nhiệm George W. Bush và Bill Clinton.
Theo đó, dưới thời ông Obama, khoản nợ quốc gia của Mỹ tăng tổng cộng 6.400 tỷ USD so với mức tăng 1.400 tỷ USD trong 4 năm cầm quyền (2001-2004) của ông Bush và 1.200 tỷ USD trong 4 năm cầm quyền (1993-1996) của ông Bill Clinton.
Vấn đề nợ công và tăng mức trần nợ công đã từng là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa phe Cộng hòa và Dân chủ trong năm 2011. Để nhận được cái gật đầu của đảng Cộng hòa về tăng mức trần nợ công lên trên 14.300 tỷ, chính quyền Tổng thống Obama đã phải cam kết cắt giảm chi tiêu 917 tỷ USD trong 10 năm tới, kèm theo chương trình giảm thâm hụt ngân sách 1.500 tỷ USD.
Tuy nhiên, với việc thâm hụt ngân sách vẫn tiếp tục tăng như hiện nay, phe Cộng hòa chắc chắn sẽ khó tính hơn với các chính sách phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, tạo thêm công ăn việc làm được phe Dân chủ cầm quyền đưa ra. Do đó, kinh tế Mỹ có thể tiếp tục gặp khó khăn và người lao động Mỹ tiếp tục điêu đứng vì bị cắt giảm các khoản phúc lợi xã hội.
Sức hồi phục rất mong manh
Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thật vững chắc. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 7-4 cho biết trong tháng 3 toàn bộ nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm hơn 121.000 việc làm mới, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cả nước xuống mức 8,2% và là mức thấp nhất kể từ tháng 1-2009.
Tuy nhiên, số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng thấp hơn nhiều so với mức dự báo 203.000 của các chuyên gia kinh tế. Tháng 3 là tháng có số lượng việc làm mới được tạo ra thấp nhất kể từ tháng 10-2011.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ củng cố thêm lời cảnh báo hồi tuần trước của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke nói rằng sự cải thiện của thị trường lao động Mỹ trong vài tháng qua chưa thật vững chắc. Một nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm là do có không ít người lao động đã tự nguyện rút ra khỏi danh sách tìm kiếm công ăn việc làm. Thời điểm hiện tại còn khoảng 12,7 triệu người Mỹ bị thất nghiệp, trong số đó có 42,5% bị thất nghiệp từ trên 6 tháng trở lên.
Phe Cộng hòa đã lập tức công kích chính sách của chính quyền ông Obama. Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner cho rằng báo cáo Bộ Lao động Mỹ chứng tỏ các gia đình và doanh nghiệp Mỹ vẫn đang vật lộn với những khó khăn do chính sách kinh tế thất bại của Nhà Trắng.
Ông Boehner chỉ rõ tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, đồng lương giảm, nợ quốc gia phình to và giá xăng dầu leo thang chóng mặt là hậu quả của các chính sách sai lầm của Tổng thống Obama. Tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Mỹ cả năm 2012 sẽ chỉ tăng 2,2% và 2,4% vào năm tới, giảm so với các mức dự báo tương ứng hồi giữa năm ngoái 2,9% và 2,7%.
ĐỖ VĂN (tổng hợp)