Sau nhiều tháng có nhiều dấu hiệu cải thiện, thị trường lao động Mỹ lại ảm đạm trở lại khi trong tháng 5-2011 chỉ có thêm 54.000 việc làm ngoài lĩnh vực nông nghiệp (so với tháng 4 là 232.000), là mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cùng kỳ tăng lên mức 9,1%. Tuy nhiên, theo giáo sư kinh tế Sung Won Sohn tại Đại học bang California, kinh tế Mỹ khó rơi vào một cuộc khủng hoảng khác bởi các yếu tố khó khăn hiện nay mang tính tạm thời như giá xăng cao và Nhật Bản, thị trường lớn của Mỹ, đang khó khăn do phải khắc phục hậu quả trận động đất, sóng thần.
Giá xăng cao khiến chi tiêu dùng giảm. Trong khi chi tiêu dùng chiếm đến 70% sức mạnh nền kinh tế Mỹ. Giá dầu từ mức 70 USD/thùng vào mùa hè năm 2010 tăng lên 115 USD/thùng hiện nay do tình hình bất ổn ở Trung Đông cũng như do đầu cơ và nhu cầu tăng tại các nước đang phát triển.
Theo dự báo của Ngân hàng America Merrill Lynch, kinh tế Mỹ trong quý 2 sẽ tăng trưởng ở mức 2% sau đó sẽ tăng trở lại 3% vào quý 3.
Theo ông Don Suber, nhà báo của tờ Charleston Daily Mail, thành công thì có nhiều nguyên nhân nhưng một khi kinh tế Mỹ có vấn đề thì người ta đều quy cho Tổng thống Barack Obama. Gói kích thích kinh tế 787 tỷ USD của Tổng thống đã thất bại trong việc kiềm chế thất nghiệp. Nhà báo Binyamin Appelbaum của tờ New York Times cho rằng chưa có tổng thống Mỹ nào kể từ thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt giành chiến thắng nhiệm kỳ hai với tỷ lệ thất nghiệp trong ngày bầu cử ở mức 7,2%.
Cũng có ý kiến cho rằng trong lúc nền kinh tế Mỹ đang cần thêm tiền kích thích thì Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát lại muốn ưu tiên cắt giảm công nợ hơn là chi tiêu. Felix Salmon, nhà báo của hãng Reuters cho rằng Quốc hội Mỹ nên ngừng “trò chơi” ngớ ngẩn này để tập trung vào các vấn đề quan trọng hơn. Có thể đảng Cộng hòa chỉ muốn hạ uy tín ông Obama hơn là muốn chấn hưng kinh tế Mỹ.
Thị trường nhà đất tiếp tục nguội
Do nền kinh tế Mỹ còn nhiều dấu hiệu bất ổn, thị trường nhà ở của nước này tiếp tục ảm đạm. Theo báo The Guardian, giá nhà ở tại Mỹ đến nay đã giảm 33% so với thời kỳ đỉnh cao nhất và thấp hơn cả thời đỉnh điểm khủng hoảng kinh tế vào tháng 4-2009. Bất chấp việc giảm thuế cho người mua nhà, thị trường vẫn nguội lạnh.
Hơn nữa, chính phủ Mỹ đã trích gần 50 tỷ USD trong gói kích thích 700 tỷ USD để trả nợ giúp một phần cho 670.000 người mua nhà trả góp, nhưng tình hình vẫn không lạc quan. Thật vậy, khi mà 1/6 số người Mỹ đang phải nhận tem phiếu của chính phủ để có bữa ăn thì việc mua nhà trở nên quá xa xỉ. Căn nhà 3 phòng ngủ của anh Toby Tobin ở Palm Coast, bang Florida cách bờ biển chỉ vài phút đi bộ được anh mua hồi tháng 1 với giá 170.000 USD, chỉ bằng 1/3 so với giá gốc 587.500 mà chủ cũ mua hồi năm 2005.
Theo thăm dò của tạp chí Newsweek và nhật báo Beast, có đến 25% số người được hỏi cho rằng chính phủ Mỹ không giải quyết các vấn đề kinh tế, 70% lo ngại về thời kỳ hưu trí, 25% số người được hỏi cho rằng tình hình kinh tế của gia đình đã tác động đến sức khỏe và hôn nhân của họ. 75% số người được hỏi cho rằng Mỹ đã đi sai đường. Tổng thống Obama không được đánh giá cao trong việc cắt giảm thâm hụt, giảm chi tiêu và cân bằng ngân sách. Điều đáng chú ý là đa số người được thăm dò cho rằng đảng Cộng hòa chỉ muốn đổ hết lỗi cho Tổng thống Obama mà bản thân họ cũng không có chính sách gì hay hơn.
Theo nhận định của các nhà kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao và thị trường nhà ở ảm đạm là 2 mối đe dọa lớn nhất đối với Tổng thống Barack Obama trên đường tái tranh cử vào Nhà Trắng năm 2012.
THỤY VŨ