Kinh tế Nga từng bước vượt khủng hoảng

Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga lên con số 3,2% vào năm 2021 và duy trì tốc độ này sang năm 2022. Dự báo này khả quan hơn so với mức tăng 2,9% và 3,2% tương ứng cho hai năm trên được đưa ra hồi tháng 3. Điều này cho thấy nền kinh tế Nga đang phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nhà máy lọc dầu tại Samara, Nga
Nhà máy lọc dầu tại Samara, Nga

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường 

Theo WB, dự báo được dựa trên kịch bản về số ca mắc Covid-19 giảm dần. WB đánh giá, khu vực ngân hàng Nga đã hoạt động khá ổn định cho đến nay. Thị trường lao động cũng có một số dấu hiệu cải thiện từ cuối năm 2020, nhưng vẫn chưa phục hồi về mức trước dịch Covid-19. Tỷ lệ nghèo đói ở Nga vào cuối năm 2020 là 12,1%, giảm từ mức 12,3% trong năm trước đó. WB dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống 11,4% vào cuối năm nay. Sau khi giảm 3% vào năm 2020 do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và giá dầu lao dốc, nền kinh tế Nga đang trên đà phục hồi trong năm nay giữa bối cảnh các nước trên toàn cầu triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19. Mặc dù ghi nhận mức suy giảm kinh tế sâu nhất trong 11 năm vào năm ngoái, nền kinh tế Nga vẫn hoạt động tốt hơn so với trung bình thế giới - vốn có mức suy giảm lên đến 3,8%

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2021), nhận định về nền kinh tế Nga, Tổng thống Nga Putin cho rằng, do dịch Covid-19, thất nghiệp gia tăng ở Nga, thu nhập giảm, nhưng không có thảm họa nào xảy ra. Nền kinh tế Nga đang tiến gần đến mức trước giai đoạn khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ Nga chỉ thị tăng cường các chương trình thúc đẩy việc làm ở những vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao. Ngoài ra, theo ông Putin, trong năm 2021 sẽ đưa ra các cơ chế mới để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc cho vay - cung cấp bảo lãnh, để các doanh nghiệp này thu hút được 600 tỷ rouble (hơn 8,2 tỷ USD) vào năm 2024. 

Ông Putin cũng khẳng định nước Nga quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường bởi nhiều thành phố của Nga nằm trên lớp băng vĩnh cửu ở Bắc cực, và điều này thật đáng quan ngại nếu băng tan chảy. Tổng thống Putin đặt mục tiêu trong vòng 30 năm tới, khối lượng phát thải khí nhà kính ròng tích lũy của Nga sẽ thấp hơn ở châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Putin, việc chuyển đổi sang công nghệ xanh không nên biến thành cơ chế cạnh tranh và kìm hãm những quốc gia nào đó. Để giảm lượng khí thải, Nga có kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân, tận dụng khí đồng hành trong khai thác dầu và phát triển động cơ lai. Đồng thời, ông Putin kêu gọi mở rộng các khu bảo tồn, bảo vệ rừng khỏi hỏa hoạn.

Tổng thống Putin cho biết, Nga có thể lập thị trường phát thải carbon quốc gia. Về lâu dài, doanh thu từ lĩnh vực biến đổi khí hậu ở Nga trong tương lai sẽ vượt ngưỡng 50 tỷ USD mỗi năm, và ông mời các nhà đầu tư tham gia hợp tác trong lĩnh vực này. Chính phủ Nga đặt mục tiêu đến năm 2022 phải hình thành khuôn khổ pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh carbon trong và ngoài nước với các quy tắc và tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu.

Dựa vào sức mạnh nội lực 

Con số dự báo trên cho thấy rằng, bất chấp dịch Covid-19 và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn củng cố nền kinh tế bằng sức mạnh dựa vào nội lực. WB nhận định, các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ đối với khoản nợ chính phủ của Nga không đe dọa sự ổn định tài chính của nước này. Đó là nhờ các bộ đệm tài khóa vĩ mô mạnh mẽ và tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ Chính phủ Nga ở mức tương đối vừa phải. Thiệt hại từ sự leo thang trừng phạt của Mỹ và châu Âu ước tính đã lên đến hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, kinh tế Nga vẫn ở trạng thái ổn định.

Theo giới chuyên gia, trong những năm qua, nền kinh tế Nga đã thích nghi với tình hình bằng cách cắt giảm chi tiêu chính phủ, dành hàng ngàn tỷ rouble cho các chương trình thay thế nhập khẩu và khuyến khích sản xuất trong nước. Trước đó, từng có ý kiến chuyên gia cho rằng, đòn tấn công nặng nề đối với Moscow là việc Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể xem xét hạn chế khả năng của các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoản nợ có chủ quyền của Nga. Tuy nhiên, theo nhà phân tích thuộc bộ phận phân tích cổ phiếu của Công ty Finam Alexey Kalachev, mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt mới của châu Âu và Mỹ hiện không còn đè nặng lên thị trường Nga. Việc Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quan chức an ninh cấp cao của Nga không ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh. Mỹ cấm chính mình cho Nga vay, nhưng việc cấm chỉ có hiệu lực đối với các tổ chức tài chính của chính phủ, bao gồm cả ngân hàng xuất nhập khẩu. Hơn nữa, Nga đã không nhận được bất kỳ khoản vay nào từ Chính phủ Mỹ hoặc các tổ chức quốc tế trong một thời gian dài. 

Niềm tự hào mang tên Sputnik V

Việc triển khai nhanh chóng công đoạn điều chế và tiêm chủng các dòng vaccine nội địa Sputnik cũng góp phần mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đưa nước Nga từng bước thoát khỏi khủng hoảng. Đến nay, có 4 loại vaccine Covid-19 đã được phê duyệt sử dụng tại Nga. Trong đó, nổi tiếng nhất là vaccine Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Gamaleya phát triển. Nói về Sputnik V, hãng tin Bloomberg cho rằng, Nga đã đạt được bước đột phá khoa học lớn nhất kể từ thời Liên Xô. Còn theo tờ The Times, vaccine Sputnik V là niềm tự hào của người Nga. Nhiều nước đã xếp hàng để được cung cấp vaccine Sputnik V sau khi kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine này được công bố trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet hồi tháng 2 cho thấy đạt hiệu quả phòng bệnh 91,6%. Vaccine Sputnik V của Nga đã được phê duyệt dùng khẩn cấp ở 66 quốc gia, trong đó có nhiều nước tại châu Á và khu vực Mỹ Latinh, với tổng dân số hơn 3,2 tỷ người.  

Từ ngày 18-1, Nga đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn và miễn phí cho người dân. Đến nay, có 4 loại vaccine Covid-19 được đăng ký tại Nga, gồm Sputnik V, EpiVacCorona, KoviVak và Sputnik Light. Chính phủ Nga đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa thu năm nay, khi dự kiến tiêm xong vaccine cho 70% dân số. Tính tới ngày 1-6, Nga đã phân phối ít nhất 29,3 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân.

Dự kiến, trong vòng 1 hoặc 2 tháng tới, sáng kiến “du lịch vaccine” có thể sẽ được triển khai ở Nga do nhu cầu tiêm vaccine rất lớn. Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã chỉ thị Chính phủ Nga giải quyết vấn đề tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19 có mất phí tại Nga cho công dân nước ngoài vào cuối tháng 6. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, việc phát triển “du lịch vaccine” ở Nga có triển vọng tốt. Cục trưởng Cục Du lịch Liên bang Nga Zarina Doguzova cũng dự đoán việc tiêm phòng cho người nước ngoài ở Nga sẽ giúp khởi động lại hoạt động du lịch trong nước.

Tin cùng chuyên mục