Kinh tế Nhật Bản hồi phục

Niềm tin kinh doanh trở lại
Kinh tế Nhật Bản hồi phục

Sau thời kỳ giảm phát kéo dài, tăng trưởng trì trệ, kinh tế Nhật Bản đang xuất hiện một số tín hiệu tích cực kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền. Theo một số chuyên gia kinh tế, chương trình cải cách toàn diện về tiền tệ, tài chính và cơ cấu của ông Abe (khá giống với những chính sách đã giúp Nhật Bản thoát khỏi Đại suy thoái hồi những năm 1930) đang hỗ trợ sự phục hồi của đất nước Mặt trời mọc.

Người dân Nhật Bản đã chi tiêu, mua sắm nhiều hơn.

Người dân Nhật Bản đã chi tiêu, mua sắm nhiều hơn.

Niềm tin kinh doanh trở lại

Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hồi đầu tháng 4 vừa qua, chi tiêu của các gia đình trong tháng 2 tại nước này đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 0,2% của nhiều chuyên gia. Trong khi đó, khảo sát của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy niềm tin kinh doanh tại xứ Phù Tang đã được cải thiện. Niềm tin của các nhà sản xuất lớn tăng 4 điểm trong quý 1-2013 sau 2 quý giảm liên tiếp. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ số này cũng tăng 2 điểm. Điều này đặc biệt quan trọng bởi chỉ số này đánh dấu nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục.

Có được điều này là nhờ việc cải thiện chính sách tiền tệ tích cực của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe. BOJ vừa can thiệp làm suy yếu tỷ giá của đồng yên, giúp hàng hóa Nhật Bản có sức cạnh tranh hơn. Thống đốc mới của BOJ, ông Haruhiko Kuroda, cũng cam kết đảo ngược tình trạng giảm phát kinh niên, vốn làm tăng nợ thực tế của Nhật Bản và ấn định chỉ tiêu lạm phát 2%.

Về chính sách tài chính, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang lên kế hoạch chi hơn 100 tỷ USD vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong 15 tháng tới, nhằm hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản. Kế hoạch này đã vấp phải nhiều sự chỉ trích khi những ý kiến cho rằng các gói kích thích tài chính trước đây của Nhật Bản đã thất bại và chỉ dẫn đến đầu tư lãng phí vào những cơ sở hạ tầng vô dụng.

Tuy nhiên, một bài học thực tế đã được rút ra từ mức độ sụt giảm tín dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990. Có thể thấy, mức chi tiêu của chính phủ không thể giúp phục hồi tăng trưởng, tình hình sẽ xấu hơn nếu không có các khoản chi tiêu. Nhờ kích thích tài chính, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản chưa bao giờ vượt quá 5,8%. Cũng nhờ có đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bất kỳ ai đến Nhật Bản cũng đều công nhận những lợi ích của việc đầu tư thích đáng.

Thách thức

Ông Joseph E. Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế, cho rằng thách thức thật sự sẽ là việc thiết kế tăng trưởng, bao gồm những chính sách nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng suất và thúc đẩy người dân, nhất là phụ nữ tham gia thị trường lao động. Trong một số lĩnh vực, sự can dự tích cực hơn của chính phủ là cần thiết để đảm bảo tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực đang cần cải cách, như các thông lệ thuê nhân công, cần sự thay đổi quy ước của khu vực tư nhân chứ không phải quy định của chính phủ.

Có nhiều lý do để tin rằng chiến lược phục hồi kinh tế của Nhật Bản sẽ thành công: nước này đang được lợi từ các thể chế mạnh, lực lượng lao động được giáo dục tốt với các kỹ năng kỹ thuật tuyệt vời, sự nhạy bén trong thiết kế và đặc biệt, Nhật Bản là nước nằm trong khu vực năng động nhất thế giới. Tình trạng bất bình đẳng tại Nhật Bản thấp hơn nhiều so với nhiều nước công nghiệp phát triển khác, kể cả Canada và các nước Bắc Âu. Từ năm 2000, sản lượng trên mỗi lao động có việc làm tại Nhật Bản đã đạt mức tăng đáng kể là 3,08%/năm trong bối cảnh lực lượng lao động ở Nhật Bản ngày càng giảm. Con số này cao hơn nhiều so với Mỹ (tăng 0,37% năm 2012) hoặc Đức (sụt giảm 0,25%).

Theo ông Stiglitz, nếu chương trình toàn diện mà ông Abe vạch ra được thực hiện tốt, triển vọng kinh tế của Nhật Bản sẽ sáng sủa hơn nhiều nước phát triển khác.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục