Kinh tế thế giới 2013 bớt ảm đạm?

Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2012 của Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc ngày 13-12 với dấu hiệu tương đối lạc quan sau khi đạt được các thỏa thuận về giám sát các ngân hàng của khối cũng như cung cấp khoản viện trợ tài chính cho Hy Lạp. Trong khi đó, các số liệu thống kê về hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng có nhiều tích cực, đã nhen nhóm chút hy vọng về nền kinh tế thế giới năm 2013 bớt ảm đạm.
Kinh tế thế giới 2013 bớt ảm đạm?

Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2012 của Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc ngày 13-12 với dấu hiệu tương đối lạc quan sau khi đạt được các thỏa thuận về giám sát các ngân hàng của khối cũng như cung cấp khoản viện trợ tài chính cho Hy Lạp. Trong khi đó, các số liệu thống kê về hai nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng có nhiều tích cực, đã nhen nhóm chút hy vọng về nền kinh tế thế giới năm 2013 bớt ảm đạm.

  • Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo Reuters, trong ngày họp cuối cùng của hội nghị (14-12), các nhà lãnh đạo EU đạt được nhất trí về lộ trình hoàn thiện Liên minh kinh tế và tiền tệ (EMU) trên cơ sở thúc đẩy hợp nhất sâu sắc và củng cố tình đoàn kết nội khối. Trong đó, bước đầu thảo luận về việc làm sao để các nước thành viên cùng tập trung vào những mục tiêu kinh tế cũng như thành lập “quỹ đoàn kết” giúp các quốc gia thành viên nếu phải trải qua một cú sốc về kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng bầu không khí của hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm phần nào bớt ngột ngạt bởi nguy cơ Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) đã giảm mạnh.

Sau khi nhận được gói hỗ trợ mới, Hy Lạp sẽ tung ra các kế hoạch mua lại trái phiếu của các nhà đầu tư tư nhân để giảm nợ. Kế hoạch mua lại trái phiếu mới nhất của Athens chủ yếu nhắm tới số trái phiếu trị giá 62 tỷ EUR được phát hành hồi tháng 3-2012. Hy Lạp đề xuất mua lại với giá thấp nhất từ 30,2%-38,1% mệnh giá trái phiếu, cao nhất vào khoảng 32,2%-40,1%. So với giá mua lại cao nhất của lần trước là 28,1%, giá mua lại lần này rõ ràng hấp dẫn hơn. Vì thế, nhiều người dự đoán lần mua này của Hy Lạp có thể tiến hành thuận lợi, giúp Athens tiếp tục hướng tới mục tiêu giảm nợ công xuống còn 124% GDP vào năm 2020 và 110% GDP vào năm 2022.

Bầu không khí cuộc họp thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm phần nào bớt ngột ngạt.

Bầu không khí cuộc họp thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm phần nào bớt ngột ngạt.

Trong khi đó, Mỹ vừa thông báo kinh tế quý 3-2012 tăng trưởng 2,7%, cao hơn mức dự đoán 2% và là mức tăng cao nhất kể từ quý 4-2009. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết thị trường việc làm và tiêu dùng của 12 khu vực do FED quản lý đều tăng trong tháng 10 và 11-2012. Còn điều tra mới nhất của Hiệp hội bán lẻ Mỹ công bố ngày 25-11 cho thấy số người đi mua hàng và mua hàng trực tuyến trong mùa lễ Tạ ơn lên đến 247 triệu lượt người, tăng 9% so với năm 2011 và doanh thu ngành bán lẻ ước đạt 59,1 tỷ USD. Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, cũng có những tín hiệu hồi phục khi Chỉ số quản lý sức mua (PMI) ở trên ngưỡng 50 trong 3 tháng liên tiếp, cho thấy lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đang tăng trưởng trở lại. Ngoài chỉ số PMI, một số các số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố gần đây cũng mang lại sự lạc quan cho thị trường.

  • Nỗi lo vẫn còn

Quốc hội Mỹ vẫn chưa nhất trí một phương án hữu hiệu để tránh được “vách đá tài chính”. Mới nhất, ngày 13-12, cuộc đối thoại thẳng thắn giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner về vấn đề trên tiếp tục kết thúc trong bế tắc. Nếu Nhà Trắng và phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa hiệp về ngân sách để tránh “cú sốc tài chính” này, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào ngưỡng tăng trưởng âm. Điều này có khả năng gây trở ngại cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu cũng như khiến một bộ phận các doanh nghiệp giảm hoặc trì hoãn đầu tư. “Vách đá tài chính” thực sự là nhân tố tiềm ẩn chưa xác định lớn nhất của nền kinh tế thế giới hiện nay. Ngoài ra, sau cuộc gặp với ông Obama, những nhà lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn đã đồng ý mức thuế 35% đối với thu nhập hộ gia đình trên 250.000 USD/năm nhưng giảm thuế doanh nghiệp đối với các tập đoàn lớn. Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tiếp tục phải chịu thuế cao, trong khi các doanh nghiệp này đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế Mỹ. Chính vì vậy, nỗi lo hiện nay là hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ sụp đổ.

Trong khi đó, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi, đã từng cảnh báo rằng nền kinh tế của EU chỉ có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2013. Người đứng đầu ECB kêu gọi chính phủ các nước trong khối phải tiếp tục thắt chặt ngân sách. Làm sao để kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng, không để xảy ra rối loạn tài chính là ưu tiên hàng đầu và là nhiệm vụ tương đối khó khăn của EU trong thời gian tới. 

ĐỖ CAO tổng hợp

Tin cùng chuyên mục