Từ nay đến cuối tháng 11, bà Janet Yellen dự kiến sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn để trở thành chủ tịch Cục Dự trữ LB Mỹ (FED). Bà Yellen sẽ phải đối mặt với nền kinh tế Mỹ vẫn còn đang ốm yếu, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lạm phát giảm
Theo Reuters, trong các cuộc điều trần trước Quốc hội, bà Yellen đã chứng minh hai đặc điểm chính: đó là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ chưa bền vững. Bà cũng bác bỏ quan ngại rằng cần nâng lãi suất để tránh lạm phát và ủng hộ hành động in thêm tiền để duy trì tăng trưởng.
Hai dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần qua càng củng cố quan điểm của bà Yellen: lạm phát trong chi tiêu dùng của Mỹ và chỉ số quản lý thu mua (PMI) của cả khu vực đồng euro (eurozone) và Mỹ đều giảm. Có nghĩa là mức độ tiêu thụ của thị trường vẫn còn yếu. Tình trạng lạm phát từng gây đau đầu trong nhiều nền kinh tế quan trọng trên thế giới đã lùi hẳn, thay vào đó là nỗi lo giảm phát. Đặc biệt, sau nhiều đợt bơm tiền vào nền kinh tế, nhiều chuyên gia vẫn đang lo ngại tình trạng giảm phát ở Nhật Bản.
Lạm phát tại khu vực eurozone chỉ là 0,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 2%, được xem là mức lạm phát lành mạnh. Điều đó cho thấy nền kinh tế khu vực đồng euro vẫn đang hấp hối.
Tình trạng các nền kinh tế châu Âu ngoài eurozone cũng tương tự: mức lạm phát tại Ba Lan dưới 0,8%, Thụy Điển trong suốt tháng 10 giá giảm liên tục và thậm chí ở nơi nổi tiếng giá cả đắt đỏ như Anh, lạm phát giảm 2,2% so với cùng kỳ tháng 10-2012. Theo Reuters, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered tại châu Âu, bà Sarah Hewin nói: “Chúng tôi không thấy bất kỳ áp lực lạm phát gia tăng nào - nói chung là ngược lại”.
Trong tuần này, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 và dự báo nó cũng sẽ giảm, ở mức khoảng 1,2%. Mục tiêu tỷ lệ lạm phát của FED là 2%.
Tăng trưởng mong manh
Chính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ không tăng thậm chí còn dự đoán giảm trong tháng 10. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, không có chuyện FED sẽ trì hoãn gói kích thích QE 3. Theo bà Yellen, lạm phát giảm cũng có nghĩa là Mỹ sẽ nới lỏng tiền tệ, in thêm tiền nếu cần để tránh mối đe dọa giảm phát.
Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các thị trường mới nổi, nhất là với những nơi có có thâm hụt tài khoản vãng lai cao. Những nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại khi Mỹ kết thúc gói kích thích kinh tế đồng nghĩa với việc rút vốn ồ ạt khỏi nền kinh tế của họ.
Tại khu vực đồng euro, tăng trưởng GDP quý 3-2013 rất èo uột, trong đó nền kinh tế số 2 của eurozone là Pháp giảm trong khi nền kinh tế số 1 là Đức tăng chậm. Các nhà phân tích kinh tế tại Ngân hàng Barclays mô tả khu vực đồng euro đang phục hồi một cách “đáng thất vọng”. Cụ thể, chỉ số tăng trưởng về dịch vụ và sản xuất (PMI) của khu vực đồng euro từ mức từ 51,9 trong tháng 9 lên 52 trong tháng 10. Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 3-2013 là 2,8% nhưng phần lớn là do hàng tồn kho. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và tăng trưởng thương mại chậm cũng gây nhiều lo ngại. Thâm hụt thương mại trong tháng 10 tăng 8%, so với cùng kỳ năm 2013, lên 41,8 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 5. Theo thăm dò của viện Gallup tuần trước, người Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu mùa Giáng sinh sắp tới so với mùa Giáng sinh năm 2012.
THỤY VŨ tổng hợp