Kinh tế TPHCM đang phục hồi

Báo cáo của Sở Công thương TPHCM về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn TPHCM 8 tháng đầu năm 2020 đã có nhiều điểm sáng. Trong đó, các chỉ số cơ bản về công nghiệp, doanh thu bán lẻ và xuất khẩu đều tăng, dù mức tăng không cao như cùng kỳ các năm trước. Đây vẫn là tín hiệu đáng mừng, cho thấy kinh tế TPHCM đang có chiều hướng phục hồi dần vào quý 3 và khả năng tăng nhanh hơn vào quý 4-2020.
Thực phẩm được bày bán dồi dào tại siêu thị Lotte, quận 7, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thực phẩm được bày bán dồi dào tại siêu thị Lotte, quận 7, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tín hiệu khả quan

Theo số liệu của Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 4,0% so với tháng trước; động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ nhóm ngành công nghiệp chế biến (ước tăng 4,6% so với tháng trước). Các ngành tăng trưởng khá trong tháng 8 như sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 3,2%), dệt (tăng 5,4%), sản xuất trang phục (tăng 6%), sản xuất kim loại (tăng 6,3%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 21,9%), sản xuất máy móc, thiết bị (tăng 9,1%), công nghiệp chế biến chế tạo khác (tăng 20%), sản xuất thiết bị điện (tăng 6,6%)… Như vậy, sản xuất công nghiệp hàng tháng tiếp tục tăng trưởng khá kể từ tháng 5 trở lại đây. Cụ thể, IIP tháng 5 tăng 7,9%, tháng 6 tăng 13,7%, tháng 7 tăng 8,6% và tháng 8 ước tăng 4% so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm 2019, một số nhóm ngành hàng có mức tăng trưởng khá như nhóm ngành lương thực thực phẩm, doanh thu 8 tháng ước đạt 91.249 tỷ đồng, tăng 10,1%; nhóm ngành hàng may mặc đạt 34.056 tỷ đồng, tăng 5,1%; nhóm ngành hàng đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 102.852 tỷ đồng, tăng 9,6%; nhóm ngành hàng gỗ và vật liệu xây dựng đạt 14.134 tỷ đồng, tăng 8,1%.

Nhằm duy trì sức mua trong tình hình khó khăn hiện nay, các hệ thống phân phối hiện đại tại TPHCM đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi; áp dụng chương trình kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ giao hàng. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp các doanh nghiệp (DN) cải thiện được doanh thu, tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại.

Chế biến giò chả tại Sagrifood, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG


Xuất khẩu tăng đáng kể

Tổng kim ngạch xuất khẩu của DN thành phố qua cửa khẩu thành phố 8 tháng ước đạt 26,2 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ, nếu loại trừ dầu thô, kim ngạch 8 tháng ước đạt 25 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông lâm thủy sản, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2020 ước đạt 3,07 tỷ USD, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 12,26% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhóm hàng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2020 ước đạt 19,93 tỷ USD, tăng 5,51% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 79,68%, so với cùng kỳ năm 2019, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 11,3 tỷ USD, tăng 26,2%); hàng dệt, may (đạt 3,02 tỷ USD, giảm 20,4%); hàng giày, dép các loại (đạt 1,49 tỷ USD, giảm 11,97%) là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm.

So sánh về thị trường xuất khẩu hàng hóa của từng nước, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với DN của năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2020 là 6,84 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 26,2% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo là thị trường Mỹ đạt 4,45 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019; kế đến là thị trường EU với 3,21 tỷ USD và Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD.

Đến nay, hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM có 238 chợ, 217 siêu thị, 45 trung tâm thương mại, 2.669 cửa hàng tiện lợi. So với thời điểm tháng 12-2019, tình hình phát triển hệ thống phân phối tại thành phố có xu hướng giảm đối với điểm bán có quy mô lớn (giảm 4 trung tâm thương mại) và tăng nhẹ một số điểm bán quy mô nhỏ (10 siêu thị hạng 3 và 5 cửa hàng tiện lợi). Các hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn duy trì ưu thế tỷ trọng điểm bán, chi phối thị trường bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố (siêu thị 80%, trung tâm thương mại 60%, cửa hàng 76%).

--------------------

Theo Sở Công thương TPHCM, trong tháng 9-2020, sở sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch hỗ trợ DN trong và sau dịch, đẩy mạnh triển khai hoạt động các hội đồng phát triển ngành công nghiệp thành phố (theo Quyết định 1790/QĐ-UBND ngày 22-5-2020 của Chủ tịch UBND TP); báo cáo Thường trực UBND TP thông qua các chương trình hỗ trợ DN, sản phẩm thuộc từng ngành công nghiệp thành phố và thông qua các thành viên hội đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ đến từng DN. Tăng cường các hoạt động tiếp xúc DN để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tin cùng chuyên mục