Kinh tế Việt Nam còn nhiều rủi ro

(SGGP).- Tại hội thảo “Cơ cấu kinh tế, những rủi ro phát triển” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 8-1, vấn đề được các chuyên gia quan tâm và mổ xẻ nhiều nhất là tái cơ cấu nền kinh tế và cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) nhà nước.

(SGGP).- Tại hội thảo “Cơ cấu kinh tế, những rủi ro phát triển” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 8-1, vấn đề được các chuyên gia quan tâm và mổ xẻ nhiều nhất là tái cơ cấu nền kinh tế và cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Theo thống kê, đến hết tháng 10-2014, cả nước chỉ cổ phần hóa được 143 DN, chưa đạt 1/2 kế hoạch đề ra là phải thực hiện cổ phần hóa 432 DN trong giai đoạn 2014 - 2015. Báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhà nước cho thấy, đến hết năm 2013 các công ty mẹ còn đầu tư tại những lĩnh vực chứng khoán là 957 tỷ đồng, quỹ đầu tư 549 tỷ đồng, bảo hiểm 1.498 tỷ đồng, ngân hàng - tài chính 16.101 tỷ đồng, bất động sản 13.176 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạt 2.415 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2013 và 10 tháng năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty mới thoái vốn 4.400/21.000 tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, theo kế hoạch, giá trị vốn nhà nước cần thoái trong năm 2015 là 16.367 tỷ đồng là một thách thức không hề nhỏ.

Tại hội thảo, đánh giá việc tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng kết quả còn rất hạn chế. Nếu nói kinh tế Việt Nam phục hồi, khởi sắc thông qua tốc độ tăng trưởng GDP thì chưa thể phản ánh hết thực chất nền kinh tế vì phục hồi chỉ có nghĩa khỏe hơn một tí, nhưng không hẳn căn bệnh đã được chữa trị. Ông Thiên cho rằng, tất cả những chính sách ban hành cần dự báo được các rủi ro trước mắt và phải rất thận trọng.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược tại Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cũng nhìn nhận, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới còn gặp các rủi ro, cản trở bởi các yếu tố như: còn tư duy kiểu cũ là vẫn xem trọng DN nhà nước hơn các thành phần DN khác, chậm đổi mới thể chế, thủ tục còn rườm rà, nhóm lợi ích còn chi phối chính sách, chi phối sự phân bổ các nguồn lực…

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, dù lạc quan hay thận trọng, giải pháp cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh. Đa số các ý kiến đều khẳng định, trong tất cả các nền kinh tế thị trường hiện đại, khu vực kinh tế tư nhân luôn là nền tảng, quyết định nội lực phát triển. Để gia tăng nội lực của kinh tế Việt Nam, cần thực thi chính sách phát triển mạnh khu vực DN tư nhân trong nước.

Đội ngũ doanh nhân nữ không ngừng lớn mạnh

Ngày 8-1, khoảng 250 nữ doanh nhân đại diện các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ các tỉnh - thành từ Đà Nẵng trở vào đã tham gia diễn đàn Nữ doanh nhân Việt Nam với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập quốc tế” do Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) tổ chức tại TPHCM. Diễn đàn được tổ chức nhằm giúp các nữ doanh nhân cập nhật thông tin về những vấn đề liên quan đến cạnh tranh, cơ hội; những khó khăn thách thức đặt ra cũng như chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nhân nữ.

Phát biểu tại đây, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Phó Chủ tịch VAWE, cho biết, hiện Việt Nam có trên 100.000 DN do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành. Và thực tế trong những năm gần đây, đội ngũ doanh nhân nói chung và doanh nhân nữ nói riêng đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế và xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Dịp này, Ban vận động thành lập Hiệp hội nữ DN TPHCM cũng đã ra mắt tiến tới nhằm thành lập Hiệp hội nữ DN TPHCM trong năm nay.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục