Sau 3/4 chặng đường của năm 2013, có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng ở góc độ tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013, chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2013 và triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vào ngày 26-9 tại TP Huế.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, kinh tế Việt Nam đang bị nghẽn mạch. Kinh tế Việt Nam đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại. Năm 2013, đã có một điểm khác biệt căn bản với xu hướng ổn định tái lập ở mức độ tin cậy cao hơn khi chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng WEF tăng 5 bậc. Song đó là xu hướng tái lập ổn định vĩ mô trên một nền tảng rất yếu, nghĩa là mức độ rủi ro vẫn rất lớn.
Trong khi theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, dù dần hồi phục vào cuối năm 2012 do những chính sách kích thích tổng cầu nhưng bước vào năm 2013, vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng nguy cơ bùng phát trở lại rình rập bởi những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết. Nợ xấu chưa cải thiện, tình trạng thiếu vốn còn kéo dài, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản cũng chưa thể mang lại kết quả nên thanh khoản khó được cải thiện. Gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản hồi sinh cho đến nay chưa mang lại kết quả đáng kể.
Năm 2014, phải phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung - dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu 3 lãnh vực ưu tiên, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI). Trong đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp nhà nước là quan trọng nhất để vừa bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo niềm tin cho thị trường.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, quá trình triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế đến năm 2015 của Chính phủ rất chậm và chưa mang lại hiệu quả. “Tái cơ cấu đầu tư chưa đụng đến cốt lõi vấn đề vận hành ngân sách nhà nước, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước mới thực hiện trên giấy” - TS Trần Đình Thiên đánh giá.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp trong nước hiện khó tiếp cận tín dụng, thiếu lao động được đào tạo… Số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 2 năm 2011 - 2012 bằng cả 12 năm trước cộng lại. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới.
VĂN THẮNG