Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011: Duy trì đà tăng trưởng khá

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011: Duy trì đà tăng trưởng khá

Ngày 24-6, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã chủ trì phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII xem xét, thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm.

  • Tăng trưởng trong khó khăn
Tốc độ tăng GDP trong 6 tháng đầu năm ước đạt 5,6%. Các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng khoảng 22,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 41,5 tỷ USD, tăng 27,8% so với  năm 2010 và tăng gần 3 lần so với chỉ tiêu được thông qua là 10%. 

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, sau 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2011 đã đạt được những kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 450.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tiếp tục tăng khá. Tổng chi ngân sách ước khoảng 355.600 tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm. Bội chi ngân sách ước khoảng hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 23% mức bội chi ngân sách được Quốc hội thông qua. Chủ trương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên đã được các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc. Trong 6 tháng đầu năm, mức chi thường xuyên trong ngân sách đã giảm gần 4.000 tỷ đồng, trong đó khối cơ quan trung ương là 900 tỷ đồng, địa phương là gần 3.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5-2011, tổng vốn đầu tư các bộ ngành, địa phương và các tập đoàn,… cắt giảm là gần 80.600 tỷ đồng, bằng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. An ninh xã hội, tạo việc làm tiếp tục được quan tâm, chú trọng.

Bên cạnh những mặt tích cực, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm đã tăng khoảng 13% so với tháng 2-2010. Mặt bằng lãi suất quá cao đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; nhập siêu tiếp tục ở mức cao, ước khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu gây sức ép lớn đối với tỷ giá và thị trường ngoại hối,…

  • Khó kiềm lạm phát ở mức 15%?
Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ cung ứng giống gia cầm cho nông dân nuôi và giết mổ cung ứng ra thị trường. Ảnh: THANH TÂM
Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ cung ứng giống gia cầm cho nông dân nuôi và giết mổ cung ứng ra thị trường. Ảnh: THANH TÂM

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ VN, đồng tình với đánh giá khái quát của Bộ KH-ĐT về kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm. Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan, đây là nền tảng để kinh tế tiếp tục phát triển những tháng cuối năm. “Cái được lớn nhất trong việc triển khai Nghị quyết 11 là chúng ta đã vượt lên những suy nghĩ, hạn chế cố hữu từ trước đến nay trong lĩnh vực quản lý tiền tệ và giá. Chúng ta đang đi đến cùng của nguyên tắc thị trường trong quản lý giá. Đây là vấn đề rất khó khăn vì đụng chạm và phải hy sinh” – ông Kiêm khẳng định.

Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng những khuyết điểm của nền kinh tế đến nay vẫn chưa có những chuyển biến lớn, mặc dù chính phủ đã rất quyết liệt. Thể hiện rõ nhất là công tác dự báo chưa chuẩn xác, có những vấn đề chúng ta đã phát hiện nhưng chưa được đi đến cùng. Về chỉ tiêu lạm phát, chúng ta cứ nâng lên hạ xuống, để đến bây giờ không có nước nào như VN, lạm phát đang từ 7%, có thể điều chỉnh một lúc lên 15%!  Trên thực tế, 6 tháng đầu năm, CPI đứng ở mức 13%, 6 tháng còn lại chúng ta phấn đấu chỉ tăng thêm 2%. Cần nhớ, lạm phát vào cuối năm luôn tăng cao theo thời vụ và với 2% không thể chia hết cho 6 tháng còn lại. Tương tự, GDP chúng ta cũng điều chỉnh tăng ở mức 6% trong năm 2011. Như vậy, cả 2 con số GDP và CPI sẽ rất khó thực hiện. Về vấn đề này, cả Quốc hội lẫn Chính phủ đã không nhìn nhận đúng bản chất, do vậy cần phải rút kinh nghiệm.

Trước tình hình trên, một vài ý kiến đồng tình với quan điểm không nên đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng cũng như CPI trong năm 2011 mà tập trung vào việc phối hợp tốt hơn giữa các bộ ngành để đảm bảo chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, ổn định đời sống an sinh xã hội,…

  • Làm rõ việc cắt giảm đầu tư công

Tại cuộc họp, có nhiều ý kiến cho rằng, cách triển khai thực hiện 6 nhóm giải pháp của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là đúng nhưng lại chưa đi nhiều vào cuộc sống. Nói cách khác, định hướng đã có nhưng cách giải quyết và thực hiện thế nào chưa tương xứng.

TS Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn, thực tế tiếp xúc tại một số địa phương cho thấy, họ đang rất lúng túng trong việc cắt giảm các dự án đầu tư công. Ngay cả các ác dự án đang triển khai cũng dừng do không phân biệt được đâu là dự án cần dừng. Với các dự án cần vốn để triển khai, các kho bạc không chịu giải ngân với lý do không hiệu quả! Thậm chí có những địa phương vẫn rơi vào tình trạng chờ đợi vì sợ cắt giảm các dự án đầu tư không đúng với chủ trương.

Theo ông Hiền, chủ trương cắt giảm đầu tư công đến nay vẫn chưa rõ ràng, trong khi Chính phủ chủ trương không phải giảm đầu tư mà là điều chuyển vốn cho phù hợp. Do vậy, báo cáo của Bộ KH-ĐT cần phải làm rõ tổng số dự án cũng như cơ cấu dự án bị cắt giảm.

Cùng quan điểm này, TS Cao Sĩ Kiêm cũng đặt vấn đề, thắt chặt đầu tư nhưng cần phải chú ý đến hệ quả của nó. Không thể cào bằng trong việc cắt giảm mà cần có sự cân nhắc đến hiệu quả, tính khả thi của từng dự án. Trong trường hợp các dự án cắt giảm gây hậu quả đến sự phát triển kinh tế thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Xuất khẩu tăng nhưng nhập siêu tăng mạnh là vì đâu? Chúng ta đã bàn vấn đề này từ nhiều năm nhưng khi thực hiện vẫn trật lất.

TS Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lo ngại, xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm tăng, nhưng chỉ riêng yếu tố tăng nhờ giá đã đạt khoảng 2 tỷ USD, chiếm khoảng 8% trong tổng mức tăng trưởng xuất khẩu, 20% còn lại là tăng nhờ lượng. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhưng nếu so với mức trượt giá thì gần như không tăng. Yếu tố nào đóng góp cho tăng trưởng, cần được làm rõ mới có thể nhìn thực chất của vấn đề tăng trưởng, từ đó xây dựng các dự báo, chỉ tiêu, kế hoạch cho sát với thị trường.

Theo các đại biểu, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm dự kiến còn diễn biến phức tạp và gặp nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của những tồn tại của nền kinh tế và diễn biến khó lường từ bên ngoài. Nguồn vốn hạn chế nên hoạt động của nhiều DN vừa và nhỏ đang co lại, giá cao do chi phí tăng cao đã tạo điều kiện cho hàng ngoại tràn vào. Vai trò nhà nước trong quản lý giá, quản lý thị trường chưa thể hiện rõ, dẫn đến chênh lệch về giá sỉ và lẻ là rất lớn. Về chính sách tiền tệ, cần có sự điều hành linh hoạt cũng như phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý. Cần xác định rõ phải ưu tiên vốn cho hoạt động sản xuất để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN nhằm duy trì sản xuất ổn định công ăn việc làm cho người lao động, bằng không chờ đến khi nguồn vốn dồi dào, lãi suất giảm thì các DN cũng gần như phá sản!

Thúy Hải 

Tin cùng chuyên mục