Dẹp chợ tự phát trên địa bàn TPHCM - Bài 1: Giơ cao đánh khẽ!

Trên địa bàn TPHCM, chợ tự phát “ăn theo” các tuyến đường lớn, chợ truyền thống nhiều vô số kể. Việc kiểm tra, xử phạt thường đi vào ngõ cụt, dẹp được nơi này sẽ phình ra nơi khác. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND TPHCM vừa có chỉ thị yêu cầu các quận, huyện tăng cường biện pháp đến cuối năm 2015 phải giải tỏa dứt điểm chợ tự phát…
Dẹp chợ tự phát trên địa bàn TPHCM - Bài 1: Giơ cao đánh khẽ!

Trên địa bàn TPHCM, chợ tự phát “ăn theo” các tuyến đường lớn, chợ truyền thống nhiều vô số kể. Việc kiểm tra, xử phạt thường đi vào ngõ cụt, dẹp được nơi này sẽ phình ra nơi khác. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND TPHCM vừa có chỉ thị yêu cầu các quận, huyện tăng cường biện pháp đến cuối năm 2015 phải giải tỏa dứt điểm chợ tự phát…

Bán lề đường, chợ bỏ trống!

Trên tuyến quốc lộ 1A có chiếc xe tải lớn chở hàng cho một công ty trong Khu công nghiệp Tân Tạo cứ loay hoay xoay trở giữa dòng xe kẹt cứng. Bác tài lắc đầu rầu rĩ, nhờ phụ xế điều tiết giao thông nhưng cũng mất gần nửa giờ mới thoát được vòng vây của hàng ngàn chiếc xe đạp, xe gắn máy… lưu thông ngược chiều hướng về chợ tự phát (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân).

Tuyến đường số 5 giao với quốc lộ 1A tại khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, mọc lên chợ tự phát.

Chị Thanh Ngọc, người dân ngụ tại khu phố 3, phường Tân Tạo A, bức xúc: “Toàn bộ tuyến quốc lộ 1A, đoạn khu vực hầm chui Tân Tạo, tuyến gần đèn xanh đèn đỏ, dọc đường số 5… ngang nhiên biến thành khu chợ hợp pháp từ nhiều năm qua. Rau củ, thịt cá các loại được bày bán rất nhiều. Vì bị bít lối đi, nên những người dân sống tại khu này thường phải né, đi đường vòng ra bên ngoài khi có nhu cầu. Bất tiện vô cùng!”.

Vào các buổi sáng hoặc chiều tối, dọc tuyến đường số 5 đoạn giao nhau với quốc lộ 1A (khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) đông đặc người qua lại. Nơi này tập trung hàng chục ngàn lao động nhập cư, phần lớn làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Bất chấp dòng xe cộ lưu thông, người mua vẫn lao xuống, chặn ngang giữa đường kỳ kèo trả giá.

Quan sát trên cầu vượt Tân Tạo, dòng người di chuyển như đàn kiến, san sát nhau, lọt thỏm giữa màu xanh, vàng, đỏ của rau củ, trái cây, quần áo... Hàng rong, xe đẩy bày hàng giữa làn đường ngược xuôi người qua lại, bất chấp ô tô, xe máy bấm còi inh ỏi. Trong khi cách đó khoảng vài trăm mét, chợ Bà Hom khang trang, sạch sẽ, được đầu tư với kinh phí trên 1,9 tỷ đồng nhưng rất ít khách hàng ghé vào. Nghịch lý này cũng xảy ra đối với chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) được xây dựng với kinh phí gần 30 tỷ đồng nhưng chỉ lác đác vài chục tiểu thương vào kinh doanh. Địa bàn quận 9 có chợ Phú Hữu, chợ Tân Phú xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng, nhưng cũng bị chợ tự phát bao vây nên kinh doanh ế ẩm.

Tuyến đường số 5 giao với quốc lộ 1A hiện là “điểm đen” về chợ tự phát tại khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.

Không chỉ ngoại thành, trong nội thành cũng phổ biến chợ “chặn đường đón ngõ”. Người dân sinh sống trên địa bàn quận 5, quận 6, quận 10 không lạ gì chợ tự phát trên đường Bạch Vân, tuyến “ôm” chợ Hòa Bình (quận 5); tuyến Phùng Hưng (phường 14, quận 5); đường Trang Tử (đoạn bên hông bến xe Chợ Lớn, giáp ranh quận 5 và quận 6); tuyến xung quanh chợ Lê Hồng Phong (quận 10)…

Ghi nhận thực tế tại các chợ tự phát này cho thấy, số lượng hàng hóa bán ra khá lớn, số người xem, mua hàng cũng nhiều, thậm chí còn cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống cạnh đó. Chị Nguyễn Thị Loan, người dân sống tại hẻm 37/21 Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10, cho biết: “Mua đồ ăn sáng trong hẻm 73B (đoạn hướng về Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ) phải chen lấn cực kỳ vất vả. Những ngày bình thường còn đỡ, cuối tuần người dân đổ ra chật cứng. Nhiều người chạy ào ào xe máy vô hẻm, không còn chỗ cho người đi bộ”.

Hẻm chợ tự phát trên đường Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10. Dù treo tấm băng rôn này nhưng đây vẫn là điểm nóng kẹt xe, bít mất lối đi do người kinh doanh lấn hẻm.

Mua đường, đóng phí bảo kê?

Sau cơn mưa chiều nước ngập lênh láng, tuyến quốc lộ 1A, đoạn băng ngang Khu công nghiệp Tân Tạo, Công ty Pouyuen chìm trong làn nước đục mờ. Một số xe chết máy, chủ nhân bì bõm đẩy xe trong sóng nước mấp mé 1/3 con lươn đường quốc lộ. Tiếp tục tìm đến khu chợ tự phát dưới chân cầu vượt Tân Tạo, khu này vẫn đông nghẹt người buôn bán, qua lại.

Chị Lê Thị Ngọc, ngụ đường số 5 (khu phố 3, phường Tân Tạo A), cho biết: “Vài năm trước, tuyến đường này rộng thênh thang. Lũ trẻ hàng xóm chạy nhảy, chơi đùa vô tư. Nay người dân ở nơi khác tới bày bán đủ thứ, lấn hết trục đường chính vào khu dân cư. Bất kể trời mưa hay nắng, rác thải lềnh bềnh chất đống, bốc mùi hôi tanh”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để trụ được, người dân buôn gánh bán bưng phải “mua chỗ, mua đường”. Chỉ cần nhờ người bán trước tư vấn, người sau tiếp cận, thỏa thuận miệng với chủ nhà là xong việc. Giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến 1 - 2 triệu đồng/tháng, phụ thuộc điểm bán, mặt hàng bày bán. Ví dụ, thuê vị trí nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn đối diện chợ Hòa Hưng, quận 10) giá khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/vị trí; điểm bán quần áo tự phát trước các cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) giá dao động 1 - 2 triệu đồng/vị trí; thuê chỗ đứng trước nhà dân trên đường số 5 (phường Tân Tạo A) khoảng 500.000 đồng, tùy điểm bán…

Một số lãnh đạo địa phương khi trả lời PV Báo SGGP cũng xác nhận thông tin này, và cho biết đó là thỏa thuận miệng giữa chủ nhà với người thuê, nên rất khó phát hiện. Không những phải thuê chỗ, người bán thậm chí còn phải đóng “hụi chết” cho một số đối tượng bất hảo.

Tại buổi giao ban thường kỳ của UBND phường Tân Tạo A vào cuối tháng 11-2014, vấn đề bảo kê, đóng hụi chết, “mua” điểm bán… được “mổ xẻ”. Lãnh đạo UBND phường Tân Tạo A xác nhận có thông tin này nhưng tìm mãi vẫn… chưa thấy đối tượng vi phạm đứng đằng sau các vụ bảo kê (?). Ông Lê Phước Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tạo A, cho biết, phường không thu bất kỳ loại phí nào đối với chợ tự phát, đồng thời hứa sẽ truy tìm bằng được các đối tượng bảo kê, kẻ vạch sơn lấn chiếm đường tại chợ tự phát.

Tương tự, chúng tôi ghi nhận vào buổi trưa, chiếc xe tải nhỏ chở cán bộ trật tự đô thị rảo một vòng quanh đường Trang Tử (giáp ranh quận 5, quận 6), phạt qua loa một vài tiểu thương, sau đó lên xe rút êm. Trong khi hàng trăm tiểu thương khác kinh doanh sai phạm vẫn tiếp tục buôn bán trên trục đường này.

Dư luận đặt nghi vấn, có hay không sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ công chức trong việc “giơ cao đánh khẽ”, xử lý lỏng tay để các chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường ung dung hoạt động?

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục