Chị Y Hun (thôn Tu Mơ Rông) cho biết, gia đình có 4.000 m² đất trồng mì. Vào tháng 8-2021, chị chuyển qua rừng Sơn tra với hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, 5 tháng sau, cây Sơn tra bị chết một nửa. Chị muốn trồng dặm nhưng không có tiền.
Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà cho biết, việc rừng trồng bị chết được xã phát hiện từ đầu năm 2022. Đến nay, đã xác định được diện tích rừng trồng năm 2021 có tỷ lệ cây sống chỉ đạt 40%, có nơi chỉ đạt 10%.
Theo ông Khoa, vấn đề hiện nay là nếu không trồng dặm để đảm bảo mật độ cây sống, thì sau này sẽ không nghiệm thu thành rừng, bà con sẽ không được hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhưng số tiền hỗ trợ dân trồng rừng là rất thấp, chỉ đủ mua cây giống nên giờ cây bị chết, xã chưa biết lấy nguồn đâu để hỗ trợ cho bà con trồng dặm.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, qua kiểm tra, rừng trồng năm 2021 trên địa bàn có tỷ lệ cây sống chỉ đạt 30-90%, tùy loại cây. Trong đó, cây Sơn tra có tỷ lệ sống từ 30-60%, cây Thông ba lá có tỷ lệ sống 65-90%. Năm 2022, địa bàn trồng 380 ha diện tích rừng và chưa phát hiện cây chết.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, rừng trồng chết do bị gia súc phá hoại, người dân dùng thuốc diệt cỏ, bị mối ăn… Để tìm nguồn hỗ trợ trồng dặm và mở rộng diện tích trồng rừng, đơn vị đã kêu gọi sự ủng hộ từ các doanh nghiệp và được Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum hỗ trợ 1 triệu cây Thông. Tuy nhiên, các cây giống trồng rừng khác như Sơn tra thì vẫn chưa có nguồn để hỗ trợ cho dân.
Ông Võ Trung Mạnh cho biết thêm, khó khăn lớn nhất là định mức hỗ trợ cho trồng rừng sản xuất đối với hộ gia đình, chỉ tối đa 10 triệu đồng/ha. Đây là mức thấp, chỉ đủ mua cây giống, phân bón. Nếu cây chết, người dân phải tự bỏ tiền tái đầu tư, khiến dân chưa mặn mà trồng rừng. Do vậy, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với cấp thẩm quyền nâng mức hỗ trợ trồng rừng cho người dân để nâng cao hiệu quả trồng rừng.