"Việc của tôi là “trông nom” toàn đội. Tôi thấy mình giống như một con gà già chăm sóc đàn gà con vậy, rất nhiều gà. Đôi lúc các cầu thủ không hiểu điều này. Vì vậy, tôi xem chuyện chăm lo cho họ là việc quan trọng dù lẽ ra đấy không phải là việc của một HLV như tôi. Điều tôi lo ngại là họ chỉ là những chàng trai trẻ, họ dễ bị tác động, dễ bị mắc sai lầm trong khi tôi không thể xem họ như những chú gà được”.

HLV Alfred Riedl bắt tay động viên các học trò sau trận đấu. Ảnh: Thùy Dung.
Cách đây đúng 1 năm, tại Bacolod-Philippines, bên chai bia trong khách sạn Cirle Inn, HLV Alfred Riedl nói về công việc của mình như thế.
Có lẽ, hình tượng “lão gà và bầy gà con” mà Riedl nói ở trên giống hình ảnh thầy-trò nhiều nhất. Ngay với HLV Riedl, người đã từng 3 lần làm việc qua 3 thời điểm khác nhau tại Việt Nam cho dù tài năng, sự thay đổi về mặt định hình lối chơi cho đội tuyển Việt Nam chưa nhiều thì phần lớn các cầu thủ tài năng từng làm việc với ông đều tỏ ra hết sức kính trọng. Họ gọi ông một cách trìu mến: Thầy Riedl thay vì Mr Riedl.
Tâm tính và cách đối xử với các học trò trong đội tuyển Việt Nam của ông Riedl thời nào cũng giống nhau. Càng ngày, ông lại càng giống một ông giáo già trường làng ở Việt Nam. Càng ngày, ông càng cảm thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn với đội tuyển. Thật cũng không đâu như Việt Nam khi mà quá trình tập trung của đội tuyển quốc gia bao giờ cũng rất nhiều. Điều đó khiến cho mối quan hệ HLV- cầu thủ ngày càng thân thiết như tình thầy-trò.
Có một dạo, chính HLV Riedl than thở rằng nhiều cầu thủ lên tuyển dường như phải được chỉ bảo lại từ đầu. Nghĩa là thay vì chỉ đơn thuần làm công tác huấn luyện, ông Riedl – một tiền đạo có tiếng của đội tuyển Áo - lại phải bỏ thêm thời gian chỉ dẫn thêm kỹ thuật chơi bóng cho các cầu thủ. Thực tế là đã không ít người mang ơn ông Riedl sau khi lên tuyển về. Nhiều người gọi ông Riedl là thầy cũng vì điều đó.
Hồng Sơn, Công Minh, Minh Hiếu...những danh thủ của bóng đá Việt Nam khi nhắc đến ông Riedl đều tỏ rõ sự kính trọng mà hiếm khi họ thể hiện với các HLV khác, kể cả với HLV nội địa. Điều đó đã nói lên phần nào cái tình thầy-trò của ông Riedl và các cầu thủ. Trong các HLV nước ngoài làm việc ở đội tuyển, không ai nhận được tình cảm trọn vẹn từ các tuyển thủ như ông Riedl.
Nhưng cái gì cũng có vấn đề của nó. A.Riedl là người gắn bó rất lâu, rất lâu với bóng đá Việt Nam đến nổi đôi khi chúng tôi có cảm giác ông đã trở thành người Việt mất rồi. Ông khá kỹ tính nhưng lại ôn hòa. Ông cư xử với cầu thủ và mọi người nhẹ nhàng, lịch thiệp đến mức ít người tìm ra điểm gì để …ghét bỏ ông. Cũng vì tính cách đó ông Riedl không làm mất lòng ai từ VFF cho đến phần lớn cầu thủ lên tuyển.
Nhưng không biết có phải vì tính cách đấy không mà nhiều cầu thủ cũng ngại lên tuyển. Có một cách nghĩ hiện đang tồn tại trong đội tuyển quốc gia (cũng như đội Olympic) rằng: Khi ông Riedl đã chọn ai, đã tin tưởng ai thì những người còn lại không còn cơ hội. Điều đó đúng hay sai chưa biết nhưng chúng tôi chắc chắn rằng, suy nghĩ đang đang tồn tại. Sự tồn tại ấy chưa hẳn đã là một điều tốt.
Thực sự, nghĩa tình của Riedl đối với các học trò ở đội tuyển quốc gia là rất sâu đậm nhưng cách biểu thị tình cảm của ông có lẽ quá kín kẽ, quá nhẹ nhàng nên đôi khi đấy là một …điều dở. Ông không ồn ào đấu tranh cho cầu thủ ra mặt như Calisto. Không hài hước như Tavares. Không lãnh đạm như Weigang. A.Riedl là người truyền tình cảm của mình cho người khác theo kiểu bao bọc, chăm chút như kiểu “lão gà già coi sóc bầy gà con” mà ông từng ví von.
Chúng ta, những người Việt Nam, chắc chắn yêu quý tình cảm mà ông Riedl dành cho các cầu thủ cũng như cho bóng đá nước nhà nhưng đôi khi, chính cái trầm lắng và sự cầu toàn của Riedl cũng là một điều đáng để lo ngại.
Bởi, làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia không chỉ là hoàn thành vai trò của một người thầy.
Thúy Oanh
Kỳ 2: Người Bồ Đào Nha ở Việt Nam