Bóng đá Anh và chiến thuật "đặc sản":

Kỳ 1: Dân Anh chỉ thích chơi 4-4-2

Kỳ 1: Dân Anh chỉ thích chơi 4-4-2 ảnh 1

Một trận cầu giữa Chelsea và Bolton (áo trắng) ở mùa 2006-2007.

M.U sẽ chơi kiểu gì khi có thêm ngôi sao Carlos Tevez trên hàng tiền đạo? Chiến thuật của Liverpool, Arsenal, Chelsea sẽ ra sao sau nhiều thay đổi về mặt nhân sự? Giới chuyên môn mặc sức phóng bút trước mùa bóng mới. Tuy nhiên, dù có hay không có ngôi sao mới trong đội hình, dù bóng đá thế giới thay đổi thế nào, đa số đội bóng tại Anh có lẽ vẫn sẽ chơi theo sơ đồ cổ điển 4-4-2, như một đặc sản không thể thiếu của quê hương bóng đá. Nhân dịp Premiership sắp bắt đầu, chúng ta hãy xem lại và tìm hiểu nguyên nhân về cách chơi bóng quen thuộc của người Anh.

Có một câu chuyện kinh điển về bóng đá Anh, được HLV Alex Ferguson kể lại khi Premiership kết thúc mùa bóng 2005-2006 với chức vô địch một lần nữa thuộc về Chelsea của Jose Mourinho. Mỗi khi M.U thất bại, giới hâm mộ tại Old Trafford hô vang: “Four-four-two” (nghĩa là 4-4-2). Đúng là mùa ấy, Sir Alex liên tục loay hoay với các sơ đồ chiến thuật và lối chơi khác nhau, nhưng có phải vì thế mà M.U thất bại hay không, đấy lại là chuyện khác. Điều đáng chú ý, mà cũng nực cười, là giới hâm mộ kêu gọi Ferguson trở lại với sơ đồ 4-4-2 “quen thuộc”, dù trước đó, ông rất hiếm khi dùng sơ đồ này. Ở khía cạnh khác, Mourinho đâu có đưa Chelsea lên ngôi vô địch bằng sơ đồ 4-4-2!

Câu chuyện nói lên rằng dân Anh gần như chỉ biết và quan tâm đến sơ đồ 4-4-2 trong bóng đá. Dĩ nhiên, cũng có những đội không chạy theo sơ đồ cổ điển ấy, nhưng hơn nửa số đội ở Premiership và gần như tất cả các đội ở 3 đẳng cấp phía dưới đều thường xuyên áp dụng sơ đồ này, trong hàng chục năm qua. Người ta dùng sơ đồ 4-4-2 để bình chọn đội hình tiêu biểu trong tuần, trong tháng, trong năm, để nhận định về đội hình lý tưởng của ĐTQG. “Four Four Two” là tên một tạp chí bóng đá nổi tiếng tại Anh. Bao quát hơn, người ta dùng sơ đồ 4-4-2 để dạy trẻ chơi bóng, để giải thích những nguyên tắc bóng đá căn bản cho phụ nữ và trẻ em. Để rồi, kết quả như đã nêu trên: hễ M.U thất bại thì giới hâm mộ Old Trafford chỉ nghĩ đến một nguyên nhân duy nhất - bất kể nó có hiện hữu hay không: thua vì không chơi 4-4-2.

Đấy là sự thật. Cựu danh thủ David Platt, từng là HLV trưởng đội U-21 Anh giải thích: “Từ bé, tôi đã chơi 4-4-2 mỗi khi ra sân. Khi tôi bước vào ĐTQG, vẫn không có gì thay đổi. Triết lý bóng đá của Charles Hughes (một trong những nhà sư phạm bóng đá nổi tiếng nhất nước Anh) luôn lấy sơ đồ 4-4-2 làm nền tảng. Tôi không dám nói dân Anh chỉ biết đến 4-4-2, nhưng sự thật là bản thân tôi và các cầu thủ đồng trang lứa không bao giờ nghĩ đến sơ đồ nào khác, trong thi đấu cũng như trong tập luyện”. Một câu chuyện khác của Ferguson cũng có nội dung tương tự.

Lúc huấn luyện CLB St Mirren, Ferguson không bố trí cặp tiền đạo mà rút một người về chơi thấp hơn tiền đạo nhô cao. Dĩ nhiên, lúc đó ông chưa phải là “Sir Alex” nên chẳng được ai trọng vọng. Trên sân tập, các cầu thủ hỏi ngược ông thầy: “Tóm lại, ông dạy chúng tôi chơi kiểu gì thế?”. Còn trong văn phòng, Ferguson cãi vã với các giám đốc vì không ai nghĩ rằng đội bóng chỉ thi đấu với 1 chứ không phải 2 trung phong.

Bản thân Ferguson, khi còn thi đấu, cũng là 1 trong 2 tiền đạo của sơ đồ 4-4-2. Tài chơi bóng của nhân vật lừng lẫy này không được vĩ đại như tài cầm quân của ông. Có những trận, Ferguson không thi thố được gì trước sự đeo bám của các hậu vệ giỏi. Để tự cứu mình, ông lùi về phía sau tiền đạo còn lại và cảm thấy... cuộc sống dễ chịu hơn. Trong vai tiền đạo lùi, Ferguson ít bị đối phương kềm kẹp, có bóng nhiều hơn và dễ dàng chuyền bóng theo ý muốn.

Vì sự nghiệp cầu thủ của Ferguson hơi khiêm tốn nên ít ai lưu ý “phát minh” độc đáo ấy. Nhưng từ đó, ý tưởng về tiền đạo lùi đã theo Ferguson trong suốt những năm cầm quân sáng chói sau này. Tại Aberdeen, Ferguson làm cho báo chí tốn nhiều giấy mực khi ông xếp Joe Harper đá lùi phía sau Steve Archibald, rồi Archibald lùi về sau Mark McGhee. Tại M.U, ông cũng thường dùng cặp tiền đạo 1 nhô cao 1 lùi về. Mark Hughes và Brian McClair, rồi Hughes và Eric Cantona, rồi Andy Cole và Cantona, rồi Cole hoặc Dwight Yorke và Teddy Sheringham...

Nhưng người Anh vẫn gọi sơ đồ chiến thuật của Aberdeen và M.U dưới thời Ferguson là 4-4-2. Họ cho rằng Aberdeen và M.U thành công nhờ Ferguson sử dụng cặp tiền đạo một cách tài tình, làm cho đối phương bất ngờ, hơn là liên tưởng đến một sơ đồ mới trong bóng đá hiện đại. Không chỉ M.U mà các đội bóng lớn khác ở Anh như Liverpool trước lúc Premiership ra đời hoặc Chelsea thời Mourinho, đều thành công khi không dùng sơ đồ 4-4-2 cổ điển. Nhưng rồi, tất cả lại phải quay về 4-4-2, thậm chí là “4-4-2 cổ điển”, tức các tuyến đều giăng ngang, khi bóng đá Anh tham gia giải lớn.

Tại Euro 2004, HLV Sven Goran Eriksson áp dụng cách chơi mới cho hàng tiền vệ đội Anh (mà báo chí hay gọi là tiền vệ hình kim cương). Các trụ cột, do David Beckham cầm đầu, khi ấy đã nói thẳng với nhà cầm quân: “Chúng tôi muốn đá kiểu tiền vệ giăng ngang”. Vốn là người dĩ hòa vi quý, Eriksson đã… chấp nhận sơ đồ do các cầu thủ đề nghị. Đến World Cup 2006, Wayne Rooney lúng túng như gà mắc tóc, khi phải đơn thương độc mã trong vai tiền đạo cắm duy nhất, để rồi đội Anh thúc thủ trước BĐN.(còn tiếp).

TRI KỶ

Tin cùng chuyên mục