Truyền thống bạo lực của bóng đá Ý

Kỳ 1: Hủy bỏ trận đấu ? Tuyệt vời !

Một cổ động viên xấu số bị thiệt mạng. Con số ấy rõ ràng là quá ít so với các thảm họa Heysel, Bradford, Ibrox, Hillsborough, các vụ sập khán đài, giẫm đạp lên nhau mà bóng đá thế giới từng ghi nhận.

Chỉ mới đây thôi, người ta vừa tưởng niệm 20 năm thảm họa xảy ra tại SVĐ của Spartak Moscow trong một trận đấu ở Cúp UEFA. Trận ấy làm hơn 300 cổ động viên Spartak thiệt mạng. Vậy thì, tại sao cái chết của mỗi một tifosi - mà theo các nguồn tin chính thức thì đấy chỉ là bi kịch chứ không ai muốn bắn anh ta - lại làm cho cả nước Ý chìm trong bạo loạn?

Bạo loạn ngoài đường phố Rome đêm Chủ nhật 11-11.

Bạo loạn ngoài đường phố Rome đêm Chủ nhật 11-11.

Đây chính là vấn đề lớn của nước Ý, nơi các nhóm ultras, hay tifosi cực đoan, không bao giờ bỏ qua một cơ hội nhỏ để làm cái việc phổ biến nhất, quan trọng nhất trong đời sống thường nhật của ultras: gây hấn hoặc ẩu đả với cảnh sát. Không có chữ nào dành cho bóng đá trong kết luận này, vì đấy là vấn đề xã hội chứ không phải của riêng môn bóng đá.

Có lẽ không phải khi chúng ta nhắc lại cái tên Gabriel Sandri - anh chàng xấu số vừa qua đời. Nhưng nếu trên thiên đường, Sandri nhìn xuống Siena, Roma, Milan trong ngày Chủ Nhật vừa qua, anh ta hẳn phải rùng mình vì những vụ bạo loạn mà các nhóm ultras gây nên “trên danh nghĩa vì anh”.

Sandri là cổ động viên Lazio và là một tay DJ nổi tiếng ở Roma, chứ không phải là thành viên của nhóm ultras nào. Thành viên ultras không bao giờ... hiền như Sandri. Vả lại, chiêu bài “vì Sandri” mà các nhóm ultras đưa ra để ngăn cản các trận đấu rồi gây hấn với cảnh sát đúng là những gì ultras thích làm hàng ngày. Để hiểu thêm về đặc điểm này, chúng ta hãy nhớ lại trận derby Roma năm 2004, trận đấu được Sky TV truyền hình trực tiếp đi khắp thế giới.

Khi hiệp 2 của trận ấy chuẩn bị diễn ra, khán giả truyền hình cảm thấy hơi lạ với hình ảnh Francesco Totti không đứng giữa sân, mà đứng gần khán đài, nói chuyện với 3 cổ động viên. Cả ba đều là ultra thứ thiệt ở curva sud - phần khán đài dành cho các tifosi AS Roma dữ dằn nhất tại sân Olimpico.

Một ultra “thông báo” cho Totti biết tin buồn: một bé trai hâm mộ Roma vừa bị đánh chết bên ngoài sân bóng, vì ẩu đả với cảnh sát. Một ultra khác thúc giục Totti kêu gọi hủy bỏ trận đấu. Nghe xong, Totti tiến đến trao đổi với trọng tài Roberto Rossetti. Trước đó không lâu, Rossetti đã 2 lần yêu cầu giao bóng, nhưng không thành công.

Lần này, sau khi Totti “truyền thông điệp” và đồng đội Antonio Cassano thẳng thừng giật bóng từ tay trọng tài, Rossetti không còn cách nào khác hơn là bấm điện thoại liên lạc với Adriano Galliani, Trưởng ban tổ chức Serie A. Rồi ông nổi ba hồi còi dài, sớm kết thúc trận đấu. Khán giả lập tức rời sân. Đến đây, phần chính của câu chuyện mới bắt đầu: các ultras quậy tưng và khoảng 200 cảnh sát bị thương trong các cuộc ẩu đả diễn ra suốt đêm hôm ấy.

Điều gì đã xảy ra? Sự thật là chẳng có cậu bé nào bị giết. Khi hiệp 1 gần kết thúc với tỷ số 0-0 thì tin đồn về “thằng bé bị giết” bắt đầu lan nhanh từ curva sud. Trên khán đài, người ta bắt đầu chuyển động, tạo cảm giác hoang mang cho giới quan sát là đã có chuyện lớn xảy ra, dù không biết đấy là chuyện gì.

Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc và các loa phóng thanh liên tục thông báo trong giờ giải lao là “không có ai bị giết”. Đấy là lý do vì sao trọng tài Rossetti vẫn muốn cho hiệp 2 bắt đầu. Nhưng cuối cùng, ông đành bất lực. Hàng chục ngàn người đã mất bình tĩnh vì “nghe nói cảnh sát giết một đứa bé”.

Câu chuyện cho thấy bọn ultras đã lợi dụng trẻ con để tung tin đồn hòng đạt mục tiêu cuối cùng là “được” ẩu đả với cảnh sát. Không có tin đồn nào… hấp dẫn hơn là “một bé trai bị giết”. Khi ấy, giữa cơ man cảm xúc bực bội, giận dữ, sục sôi, bạo động mà không xảy ra trên các đường phố Rome mới là chuyện lạ.

Đợt trận đêm Chủ Nhật vừa qua diễn ra trong hoàn cảnh rất giống với vụ bạo loạn ở Rome năm 2004 (tất nhiên, chỉ khác ở chỗ chàng DJ Sandri chết thật, vì viên đạn thật của cảnh sát). Cơ hội để các ultras triển khai bạo lực thường nằm ở các trận đấu đã ken đặc khán giả nhưng phải hoãn lại giữa chừng hoặc ngay trước giờ bóng lăn. Hủy bỏ trận đấu trong cơn giận dữ của hàng chục ngàn con người là điều mà các nhóm ultras rất thích.

Vì Sandri ư? Tháng 6-2001, một cổ động viên trẻ của Messina - Antonio Curro, 21 tuổi - thiệt mạng vì quả bom tự chế của cổ động viên Catania rơi trúng đầu anh ta. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy đám đông các cổ động viên Catania nhảy lên vui mừng, không phải vì các pha bóng dưới sân, mà vì quả bom tự chế của họ đã “trúng mục tiêu”.

Cổ động viên Sergio Ercolano của Napoli cũng chết vì bạo lực trong trận gặp Avellino cách đây vài năm. Và còn rất nhiều tifosi xấu số khác qua đời trong các trận đấu như thế. Nhưng nào có thấy các ultras thương xót! Họ không hề thương xót ai, nếu người ấy không chết vì cảnh sát!

(còn tiếp)

TRI KỶ

Tin cùng chuyên mục