Khóc vì khi kết thúc một mùa giải đầy kỳ vọng, cái còn lại ở LG.HN.ACB chỉ là sự hoang tàn, vì danh tiếng và cái thương hiệu “Khổng Minh xứ Nghệ” của Nguyễn Hồng Thanh đã tan như bong bóng xà phòng, vì nỗi đau còn lại của bầu Kiên, với tư cách là ông chủ đội bóng nhưng thất bại trên tất cả các phương diện...Trong khi đó, những giọt nước mắt của Đồng Tháp lại là sự bất lực trước cái mà họ không thể có được vì thiếu tiền.
- Sự ảo tưởng quá mức ở ACB

HLV Nguyễn Hồng Thanh và các cầu thủ LG.HN.ACB sau trận thua Bình Dương 0-1.
Là một trong 3 doanh nghiệp làm bóng đá đầu tiên và nổi tiếng nhất trong làng BĐVN cùng với bầu Đức của HA.GL, bầu Thắng của GĐT.LA, nhưng bầu Kiên đã không thành công như những người đồng nghiệp vì đây là lần thứ 2 đội bóng của ông suýt xuống hạng.
Khi cuộc nội chiến ở Pjico. SLNA kết thúc, GĐĐH Hồng Thanh phải ra đi sau 30 năm gắn bó với bóng đá xứ Nghệ để trở thành TGĐ Công ty cổ phần thể thao ACB, nhận trọng trách xây dựng nền tảng vững chắc cho cơ ngơi của bóng đá Thủ đô trong tương lai. Ông Hồng Thanh đồng ý với việc kiêm luôn cả HLV trưởng, vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn.
Ông tự tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ “đưa LG.HN.ACB vào Top 5” như mùa 2004, sau đó tính tiếp...”. Nói thẳng ra ông Thanh và ông Kiên tính là mùa 2006, sẽ có hàng loạt cầu thủ xứ Nghệ đổ bộ ra Hà Nội và cánh tay phải của Hồng Thanh ở SLNA là HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng sẽ về Thủ đô. Giai đoạn trước khi vào mùa giải mới được chuẩn bị với bộ khung và lối chơi mà HLV Lê Thuỵ Hải xây đắp từ mùa trước.
Vào giải, chỉ vài vòng đấu, khả năng cầm quân của HLV Hồng Thanh đã bị đưa vào tầm ngắm. Những bài tập lặp đi lặp lại, hoàn toàn đưa từ sách vở vào khiến cả đội hoang mang lo lắng. Chuyên môn không ổn, cộng thêm những va chạm, bất đồng giữa cách quản lý, hành xử của một con người đã quen “làm Vua”, quen ra lệnh và nói tất cả phải nghe suốt bao năm trời ở Nghệ An với những cầu thủ thuộc hàng bất trị, cuộc nổi dậy bắt đầu nổ ra, từ phản ứng ngấm ngầm đến gay gắt ra mặt. Họ suy yếu quá nhanh và người ta thấy một LG.HN.ACB khủng hoảng thật sự, từ trận thua HP.HN 0-2 ở Cúp QG.
Một tháng trước, họ “cho” HP.HN 1 điểm nhưng khi đá thẳng thừng với nhau, LG.HN.ACB thua mất mặt. Khủng hoảng này thúc đẩy việc “xếp xó” các nhân tố chống đối: Hàng loạt trụ cột như Thanh Sơn, Thanh Châu, Mạnh Hùng, Sỹ Cường... bị gạt khỏi vòng chiến đấu để xốc lại đội ngũ nhưng biện pháp nửa vời đó không vực dậy được đội quân rệu rã này. Quân không phục tướng, tướng nói chẳng ai nghe.
Trước ngày lên đường vào Nam gặp Delta Đồng Tháp (0-1) và GĐT.LA (0-5), đã nổ ra một cuộc cãi vã giữa trung vệ Mạnh Hùng và HLV Hồng Thanh ngay trên sân tập, trước mặt cả đội nhưng kệ, không có một ai can ngăn. Trước trận đấu quan trọng với TMN.CSG, trung vệ Anh Dũng và tiền đạo Diego đã lao vào choảng nhau vì mâu thuẫn cá nhân. Vụ đánh nhau này bị ỉm đi và Diego đã được về nước sớm do gãy tay ?
Có nhiều trận đấu gây tai tiếng nhưng trận đấu thuộc hàng kinh khủng nhất mùa này là trận LG.HN.ACB thắng Pjico.SLNA 3-1 ở vào thời điểm yếu nhất. Một trận đấu mà những người chứng kiến ngao ngán lắc đầu khi cầu thủ xứ Nghệ ném phao cứu sinh cho LG.HN.ACB và “bác Thanh”. Chỉ khổ các cầu thủ xứ Nghệ, không thể không cứu LG.HN.ACB nhưng hé mở khung thành mà đội chủ nhà không thể tìm được đường vào vì quá yếu. Họ đành phải mở toang để đối thủ thắng và chấp nhận thêm một trận đấu tai tiếng nữa. Trong khi đó, LG.HN.ACB chấp nhận tự tát vào mặt mình vì sự sinh tồn.
- Đồng tiền biết khóc
Cả mùa giải lộn xộn và vỡ từ trong vỡ ra, nhưng tình trạng đó cứ tiếp diễn mà không có giải pháp nào được đưa ra. Tất cả chỉ bởi một nước cờ sai của bầu Kiên và nó kéo theo hàng loạt những hậu quả chết người sau đó. Những đầu tư từ bầu Kiên chưa có được một nền tảng vững chắc vì thiếu một kiến trúc sư giỏi. Cách tính toán của một ông chủ ngân hàng phần nào hạn chế sức bậc của đội bóng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các món tiền chi ra của ACB dường như không có người giúp cụ thể hóa, chi tiết hóa thành ra, nói theo kiểu ngân hàng là chậm tiến độ giải ngân.
Đối diện với sự sụp đổ trước trận play-off vào cuối mùa, ông Kiên đành chấp nhận phá bỏ nguyên tắc của mình. Từ nước ngoài, ông gọi một cú điện về Hà Nội: “500 triệu tiền thưởng cho trận thắng THS.CT”. Một tuần trước trận play-off với THS.CT để tranh tấm vé trụ hạng, HLV Hồng Thanh chủ động vắng mặt thường xuyên trong các buổi tập và nhường quyền chỉ đạo cho trợ lý của mình. HLV trưởng tránh mặt để các cầu thủ thoải mái về mặt tinh thần, chuẩn bị cho trận cầu sinh tử. Một trận đấu mà lãnh đạo đã phải xuống nước, vời lại vài trụ cột mà trước đó nhất quyết không dùng vì lý do ngoài chuyên môn, để phục vụ cho mục tiêu trụ hạng. HLV Hồng Thanh thoả hiệp với các kiêu binh 1 tuần trước trận đấu để họ tập luyện chuẩn bị cho trận đấu sinh tử. LG.HN.ACB thắng THS.CT 2-1 và trụ hạng.
- Và nước mắt Đồng Tháp
Đội bóng này không thua kém về lực lượng nội nhưng lại thiếu tiền để có những ngoại binh tốt. Khi Delta tài trợ cho Đồng Tháp, họ nói thẳng: chỉ là nhà tài trợ với số tiền cố định và không can thiệp gì. Ai cũng biết, số tiền đầu tư trọn gói là một chuyện nhưng khi mua cầu thủ chất lượng cao thì không thể gói gọn trong bao nhiêu khoản đó. Không có nguồn vốn phát sinh từ cơ chế bao cấp do mang tiếng là có nhà tài trợ nên Đồng Tháp ‘bó tay” trong thị trường chuyển nhượng.
Có lẽ, vấn đề lớn nhất, đau đớn nhất trong việc xuống hạng của Đồng Tháp nằm ở chỗ đó. Họ thiếu các cú đánh tài chính đủ lực để thay đổi cục diện trong các thời điểm khó khăn. Họ thiếu những nguồn “doping” mạnh mẽ mà chỉ có khi doanh nghiệp thật sự quan tâm đến tình hình đội bóng. Cái kiểu tài trợ của Delta với Đồng Tháp giông giống kiểu tài trợ của Hoa Lâm với Bình Định và như chúng ta đã biết, sự kết hợp thiếu chiều sâu trên đã không có kết quả tốt trong làng cầu V-League vốn cực kỳ phức tạp và luôn có chuyện “đồng tiền đi trước” mỗi trận đấu. Bóng đá Việt Nam đã quen với chuyện “có thưởng mới đá” nên việc Đồng Tháp “chết” do thiếu tiền cũng là điều dễ hiểu.
LG.HN.ACB không thiếu tiền, họ thiếu người tiêu tiền. Đồng Tháp thì ngược lại. Câu chuyện của 2 đội bóng này vừa khác và vừa giống. Chung qui cũng chỉ là câu hỏi: bóng đá chuyên nghiệp cần bao nhiêu tiền cho đủ?
LIÊN NHI – THUÝ OANH
Kỳ 1: Gạch Đồng Tâm.Long An một nhà vô địch thật sự?
Kỳ 2: Xem tướng “tướng” Dũng của Bình Dương
Kỳ 3: Á quân tụt dốc và cuộc chia tay giữa tình và tiền
Kỳ 4: Trọng tài vẫn còn là nỗi lo của nhiều đội bóng