CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn

Kỳ 7: Phản chiến lan rộng, Mỹ bối rối

Kỳ 7: Phản chiến lan rộng, Mỹ bối rối

Vụ quân nhân Mỹ bắn chết thường dân ở Mỹ Lai vừa bị phanh phui thì giữa năm 1969, CIA dính líu vào một vụ tai tiếng vì bị nghi ngờ có nhúng tay vào vụ thủ tiêu một điệp viên Cộng sản tại Nha Trang, đã làm dấy lên phong trào phản chiến...

Phản chiến tăng cao, Mỹ bỏ rơi liên minh

Giữa năm 1969, một đơn vị lực lượng đặc biệt Mỹ nghi một thanh niên Việt Nam làm việc cho lực lượng là tay trong của Cộng sản, nhưng không muốn giao cho cơ quan an ninh Việt Nam Cộng hòa (VNCH) xử lý vì sợ lộ bí mật tình báo nên ngỏ ý nhờ CIA xử lý giúp. CIA không nhận nhưng không trả lời rõ ràng nên lực lượng đặc biệt tự xử lý bằng cách đem đương sự ra bắn rồi thả trôi ngoài biển Nha Trang. Shackley báo cáo nội vụ lên Đại sứ Bunker và tướng Abrams và vụ giết người trái phép bị báo chí phanh phui càng làm gia tăng phong trào chống chiến tranh tại Mỹ.

Hai sự việc khác là vụ dân biểu Trần Ngọc Châu và Huỳnh Văn Trọng cũng làm cho quan hệ giữa Tổng thống Thiệu với tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn giữa năm 1969 trở nên căng thẳng, giữa lúc chương trình bình định và phát triển nông thôn đang tiến hành khả quan. Trần Ngọc Châu là nhân vật từng làm việc với CIA.

Châu là người vạch ra chương trình bình định nông thôn sau khi ông Diệm bị lật đổ tại tỉnh Kiến Hòa nơi ông làm tỉnh trưởng. Ông Châu lập chương trình cho phép dân khiếu kiện chính quyền để qua đó tiếp cận lấy tin tức tình báo về nhân sự và cơ sở của Cộng sản. Châu còn giúp CIA thí nghiệm một chương trình săn lùng các đảng viên lãnh đạo của Cộng sản trong tỉnh Kiến Hòa. Cuối năm 1965, CIA xin Châu về chỉ huy một trung tâm huấn luyện tại Vũng Tàu. Nhưng “cái tôi” của Châu quá lớn làm mất lòng các giới chức cao cấp VNCH khác nên vào năm 1967, Châu bỏ công tác bình định, ra ứng cử dân biểu Hạ viện. Sau đó, Châu đắc cử và giải ngũ.

Tại Quốc hội, Châu chủ trương tiếp xúc với các thành phần không Cộng sản trong Mặt trận Giải phóng miền Nam (MTGP) và đầu năm 1969, Châu yêu cầu CIA giúp tạo thanh thế để Châu có thể thực hiện kế hoạch của mình. CIA không nhiệt tình đáp ứng yêu cầu của Châu.

Tại Quốc hội, Châu chứng tỏ với mọi người là được Mỹ ủng hộ. Đến giữa năm 1969, ông Thiệu không chịu nổi cuộc vận động chính trị của Châu và quyết định truy tố Châu về tội tiếp xúc với Cộng sản. Trước khi ra tay, Thiệu kiểm chứng với CIA và Shackley nói CIA thấy không trở ngại gì nếu mọi sự tiến hành theo luật pháp. Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ hơi e ngại việc truy tố một dân biểu có thể tạo dư luận bất lợi tại Mỹ nên yêu cầu Bunker khuyên Thiệu thận trọng. Thiệu thông qua Hạ viện áp dụng quy định bỏ phiếu tước quyền miễn truy tố của Châu và đưa Châu ra tòa án quân sự xử 20 năm tù vào đầu năm 1970.

Dù Shackley xác nhận Châu không liên hệ gì với CIA nhưng Thiệu vẫn nghi Châu là người của CIA vì sau khi Châu bị truy tố, John Paul Vann, một cố vấn cao cấp Mỹ và Chính phủ Mỹ đã mạnh mẽ can thiệp cho Châu.

Ngày 3-11-1969, qua một diễn văn, Nixon xác định chính sách Mỹ cam kết bảo vệ miền Nam Việt Nam. Ba tuần sau George Carver đến Sài Gòn. Tổng thống Thiệu nghĩ sự yểm trợ của Mỹ cần hơn là liên minh này, lực lượng nọ. Vận động quần chúng là ưu tiên thứ tư của Thiệu, sau các ưu tiên quân sự, bình định và kinh tế.

Ngày 4-12-1969, tòa Đại sứ và CIA đi đến nhận định đã đến lúc bỏ rơi các lực lượng và liên minh, ủng hộ khối Liên đoàn Công nông của ông Trần Quốc Bửu và khối quần chúng theo Phật giáo Ấn Quang. Vào tháng 3-1970, Washington chi 225.000 USD giúp Thiệu vận động các đối tượng trên.

Shackley sang thay Katrosh và dùng phương pháp gián tiếp để tiếp cận với Thiệu qua trung gian các nhân vật quanh Thiệu thân với CIA. Áp lực của CIA qua khối nhân sự này (trong đó có Khiêm) đến độ làm Khiêm nghi ngờ thiện chí của Mỹ. Khiêm nghi có bàn tay của CIA trong các cuộc biểu tình của thương binh và sinh viên chống Thiệu để thành lập một chính phủ liên hiệp tại Sài Gòn giúp Mỹ có điều kiện kết thúc chiến tranh.

Để có thời gian cho Mỹ rút quân, cuối tháng 4-1970, Nixon ra lệnh quân đội Mỹ đánh sang Campuchia để phá hủy cơ sở hậu cần của Cộng sản và truy bắt các cấp lãnh đạo của Cục R (Trung ương Cục miền Nam) và tháng 5-1970 tái oanh tạc Bắc Việt. Cuộc tấn công vào Campuchia sinh ra nhiều cuộc biểu tình tại Mỹ và trong một cuộc xô xát, lực lượng an ninh bang Kansas đã bắn chết 6 sinh viên thuộc Đại học Kent State University và Jackson State College làm cho không khí chính trị tại Mỹ vô cùng căng thẳng. Tháng 6-1970, Mỹ rút quân ra khỏi Campuchia và Nixon ra lệnh rút thêm quân tại Nam Việt Nam.

Cuộc tấn công của Mỹ vào Campuchia làm cho tinh thần quân đội VNCH lên cao. Nixon muốn nhân cơ hội dùng Khiêm thúc bách Thiệu thi hành chương trình chống tham nhũng, giảm bớt sự lạm dụng quyền hành của các giới chức chính quyền và tôn trọng Tòa án tối cao.

Đẩy mạnh “Việt Nam hóa chiến tranh”

Tình hình biểu tình trên đường phố Sài Gòn trong giai đoạn này giống như những cuộc biểu tình trước khi ông Diệm bị lật đổ và CIA muốn dùng cuộc bầu cử bán phần Thượng viện (năm 1970) để đưa các đảng phái chính trị, Công giáo, Phật giáo vào sinh hoạt chính trị. Một liên danh Phật giáo của luật sư Vũ Văn Mẫu đắc cử làm cho phong trào chống đối của Phật giáo Ấn Quang lắng xuống.

Sau cuộc bầu cử bán phần Thượng viện, CIA bắt tay vào chương trình chuẩn bị cuộc bầu cử Hạ viện và cuộc bầu cử tổng thống năm sau. Mỹ muốn Tổng thống Thiệu tái đắc cử nhưng Mỹ cần có một cuộc tranh cử với hai ba ứng cử viên để bảo đảm uy tín chính trị của Thiệu. Lúc này, chưa biết Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ có ra tranh cử không, do đó Mỹ vận động tướng Dương Văn Minh ra tranh cử, mặc dù Đại sứ Bunker đánh giá khả năng của Minh thấp và cho rằng Minh tính tình bất nhất.

Biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: T.L.

Biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: T.L.

Đối với Hạ viện lúc này CIA đã có trong tay 10 dân biểu “thân hữu” nhưng Mỹ muốn qua cuộc bầu cử có thêm 10 dân biểu nữa để nắm chắc sự thông qua các bộ luật cần thiết sau này. Mỹ cũng có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các ứng cử viên Hạ viện thân với Thiệu, dự trù tổng chi phí 252.000 USD. Chương trình chính của CIA là kiếm thật nhiều phiếu cho Thiệu. Qua tướng Quang, CIA thúc Tổng thống Thiệu tranh thủ khối Công giáo, người Việt gốc Hoa và khối người Thượng.

Tại Paris, cuộc đàm phán không có tiến triển, trong khi tại Việt Nam, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chương trình Việt Nam hóa chiến tranh và giảm quân.

Tháng 2-1971, để thử nghiệm hiệu quả của chương trình Việt Nam hóa, Mỹ và VNCH đánh qua biên giới Lào với chiến dịch Lam Sơn 719. Cuộc hành quân hoàn toàn do quân đội VNCH đảm trách, Mỹ chỉ yểm trợ không lực. Quân đội VNCH bị tổn thất nặng trong chiến dịch này nhưng tinh thần chung của quân đội không đến nỗi nào và tướng Abrams nhận định rằng sau cuộc tấn công, Nam Việt Nam vẫn có khả năng tồn tại.

Tuy nhiên, nhận xét của CIA tại vùng 3 khá bi quan. Don Gregg, phụ trách cơ sở CIA vùng 3 cho biết quân đội VNCH không lấp kịp khoảng trống khi quân đội Mỹ rút đi. Gregg cho rằng tình trạng này do chính sách của Thiệu không muốn thấy thêm tổn thất (sau tổn thất trong chiến dịch Lam Sơn) trong năm bầu cử.

Đầu tháng 7-1971, Hoàng Đức Nhã, tùy viên báo chí của Thiệu, yêu cầu Shackley vận động mở một văn phòng để thông tin về cuộc bầu cử tổng thống tại Nam Việt Nam ở Washington nhưng không thành công. Ngày 24-7, 26-7 và 4-8, Tổng thống Thiệu, tướng Minh và Phó Tổng thống Kỳ lần lượt nộp đơn ra tranh cử. Tòa án tối cao, cơ quan xét đơn tranh cử đã bác đơn của Kỳ vì các chữ ký giới thiệu (theo luật bầu cử do Quốc hội thân Thiệu đã thông qua nhằm gạt Kỳ) không có giá trị.

Sau khi đơn Kỳ bị bác, Minh dọa sẽ rút đơn. Lo ngại Thiệu độc diễn, Bunker gặp Minh yêu cầu ở lại và có tin Bunker hứa chi 3 triệu USD cho Minh làm chi phí tranh cử (CIA nói tin này không đúng), nhưng không có kết quả. Ngày 19-8, Minh rút đơn. Ngày 20-8, Tòa án tối cao chấp nhận một số chữ ký giới thiệu Kỳ và hợp thức hóa đơn tranh cử của Kỳ. Nhưng ngày 23-8, Kỳ lại rút đơn.

Kỳ rút đơn nhưng vẫn chuẩn bị nộp lại nếu có điều kiện tranh cử thuận lợi. Kỳ lén gửi phụ tá thân tín Đặng Đức Khôi qua Phnôm Pênh, từ đó Khôi đi Mỹ. Tại Washington, Khôi móc nối các nhân vật CIA quen biết ngỏ ý muốn cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và Trợ lý Ngoại trưởng William Sullivan yêu cầu Mỹ hứa bảo đảm một cuộc tranh cử sòng phẳng giữa Thiệu và Kỳ. Mỹ không đáp ứng lời yêu cầu của Kỳ và cuộc tranh cử độc diễn đã trở thành một thực tế.

Trước viễn cảnh này, ngày 7-9, Shackley yêu cầu Thiệu cho phép cử tri bỏ phiếu bầu hay bác Thiệu để ghi nhận tỷ số đối lập và đề nghị Thiệu tuyên bố được bao nhiêu phần trăm bầu cho mình. Thiệu bác cả hai đề nghị.

Ngày 3-10, Thiệu đắc cử với 91,5% phiếu bầu, tính trong khoảng 90% cử tri có ghi danh. Sau khi Thiệu tuyên thệ nhậm chức, Sài Gòn bắt đầu nghĩ đến hoạt động của Cộng sản nhân dịp tết sắp đến, nhất là lúc này rơi vào thời gian Tổng thống Nixon thăm viếng Bắc Kinh. Một bận tâm khác là Mỹ được Khiêm báo cáo Thiệu sắp thành lập Đảng Dân chủ theo mô thức Đảng Cần Lao của ông Nhu, tổ chức nửa kín nửa hở và đảng viên được tuyển mộ trong khối sĩ quan và công chức với mục đích dùng đảng để kiểm soát quân đội và bộ máy hành chính. Các đảng viên Đảng Dân chủ thuộc toàn quyền sử dụng và sai phái của Thiệu.

P.Tr. lược trích và giới thiệu

Kỳ 8: Hòa bình đã trong tầm tay

TRẦN BÌNH NAM

CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn

- Kỳ 1: Vai trò của CIA trong cuộc chiến Việt Nam

- Kỳ 2: CIA sau đảo chính ông Diệm

- Kỳ 3: “Ngôi sao” Thiệu - Kỳ xuất hiện 

- Kỳ 4: Xáo trộn và chia rẽ

- Kỳ 5: Mỹ tìm đường rút lui

-  Kỳ 6: Nỗ lực chính trị hóa cuộc chiến Việt Nam

Tin cùng chuyên mục